Tiếp tục tăng cường hoạt động hình thành và phát triển kỹ năng mới cho người học
Cập nhật ngày: 26/05/2021 08:57:35
ĐTO - Trong bối cảnh mới với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và các vấn đề xã hội, các cơ sở giáo dục và đào tạo đang tích cực chuyển sang mô hình giáo dục thông minh, linh hoạt trong chương trình đào tạo và phương thức đào tạo. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng triển khai tổ chức nhiều hoạt động phù hợp để góp phần hình thành và phát triển các kỹ năng mới cho người học.
Một buổi chia sẻ về kỹ năng ICT của sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp
Theo kết quả khảo sát của các trang mạng dịch vụ xã hội và việc làm, trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, các kỹ năng mềm cần nhất của người lao động lần lượt là: kỹ năng sáng tạo, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng hợp tác, kỹ năng thích nghi, trí tuệ cảm xúc. Đến đầu năm 2021, kỹ năng thích nghi trở thành kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần nhất trên bảng xếp hạng khảo sát. Đây chính là kỹ năng giúp mỗi người biết cách chấp nhận, đối diện với hoàn cảnh, và học cách thay đổi chính mình để thích nghi.
Đặc tính chủ yếu của “giáo dục 4.0” là sáng tạo và kiến tạo giá trị, người học được đào tạo để trở thành công dân toàn cầu với tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp. Vì vậy, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Trường Đại học Đồng Tháp trong giai đoạn tới là tiếp tục tăng cường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với các chương trình cụ thể và giải pháp đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực, cam kết có nhiều sản phẩm khởi nghiệp được ra mắt và tham gia thị trường. Bên cạnh đó, trường bổ sung nội dung tăng cường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp vào chiến lược phát triển của trường giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, bố trí chuyên đề về khởi nghiệp là chuyên đề bắt buộc và tự chọn trong chương trình đào tạo, tăng số lượng cán bộ kiêm nhiệm được đào tạo kiến thức, kỹ năng về công tác tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, hỗ trợ kinh phí và phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Song song với việc phát triển chương trình đào tạo, giảm lý thuyết – tăng thực hành, giản lược các môn học hàn lâm để đưa vào các môn học gắn với hoạt động nghề nghiệp và “mang hơi thở” cuộc sống, Trường Đại học Đồng Tháp còn quy định chuẩn tham gia công tác xã hội đối với sinh viên cùng với các môn học về kỹ năng mềm, các chuyên đề chia sẻ và chuyển giao kinh nghiệm làm việc, các mô hình gắn kết cộng đồng... Định hướng chú trọng tăng cường các hoạt động hình thành và phát triển kỹ năng mới chắc chắn sẽ tạo động lực mới để người học nỗ lực phấn đấu, trải nghiệm sáng tạo, góp phần vào việc chuẩn bị thiết thực nhất cho hành trang nghề nghiệp, hành trang cuộc sống của người học sau tốt nghiệp.
Để chuẩn bị bước sang thế kỷ XXI, vào năm 1996, Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc, Unesco xuất bản báo cáo nghiên cứu về giáo dục, trong đó đề cập đến 4 trụ cột của giáo dục (4 pillars of education) là: (1) Học để biết (Learning to know), (2) Học để làm (Learning to do), (3) Học để trưởng thành (Learning to be), (4) Học để chung sống (Learning to live together). Theo các tài liệu từ Internet, đến những năm cuối thập kỷ thứ nhất của thế kỷ XXI, Unesco đã có những khuyến nghị cần có sự điều chỉnh lại trụ cột thứ 1 và thứ 3 (có nhà nghiên cứu cho rằng đó là sự diễn đạt lại quan điểm đã có) như sau: từ “Học để biết (Learning to know)” thành “Học để học cách học (Learning to learn)”, từ “Học để trưởng thành (Learning to be)” thành “Học để sáng tạo (Learning to create)”.
4 trụ cột của giáo dục được xem như những nguyên tắc cơ bản để góp phần định vị và định hướng cho giáo dục phát triển phù hợp với xu thế toàn cầu. Các nhà quản lý giáo dục chia sẻ rằng, sự khuyến nghị điều chỉnh này mang thông điệp thực tiễn, đặt ra những yêu cầu mới cho các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục đại học trong việc điều chỉnh chiến lược phát triển, theo đuổi các mô hình giáo dục gắn với yêu cầu sự phát triển của xã hội trong bối cảnh mới.
HIẾU TRI (tổng hợp)