Ứng xử tình huống sư phạm - cuộc thi hấp dẫn, bổ ích
Cập nhật ngày: 08/07/2016 10:57:49
ĐTO - Cuộc thi ứng xử tình huống sư phạm là cuộc thi mới, lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức rộng rãi dành cho các đối tượng là giáo viên (GV) Tiểu học (TH), THCS, THPT; học sinh (HS) THCS, THPT.
Lần đầu tổ chức nhưng có 12/12 Phòng GD&ĐT, 29/43 trường THPT tham dự. Các trường THPT có số lượng tác phẩm dự thi nhiều gồm: THPT Mỹ Quý, Phú Điền, Thanh Bình 1, 2, Tam Nông. Các đơn vị Phòng GD&ĐT có nhiều bài thi là TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò. Đây là cuộc thi bổ ích, quan trọng nên nhiều đơn vị cử GV dự thi nghiêm túc, có nhiều bài viết vào chung khảo xếp giải như: Trường THPT Trần Văn Năng, Tam Nông, Thanh Bình 1, Đốc Binh Kiều, Tháp Mười; các đơn vị Phòng GD&ĐT Tháp Mười, TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, huyện Hồng Ngự.
Theo Ban Giám khảo cuộc thi, chất lượng bài viết khá tốt, các GV đều xác định được mục tiêu, yêu cầu, kết cấu bài viết dự thi đúng quy định. Các thầy, cô có bài viết dự thi hiểu chính xác phạm trù, tình huống sư phạm, nhất là các tình huống đã xảy ra trong hoạt động dạy và học, cách giải quyết tình huống thấu tình đạt lý, có tính giáo dục cao. Một số tình huống điển hình như: HS lơ là thiếu tập trung trong học tập, HS chống đối GV, HS thiếu trung thực,... Những hành vi này của HS đẩy GV đến việc ứng xử thiếu kiềm chế, thô bạo, chủ quan, quyền lực. Với tình thương dành cho học trò, nhiều cô giáo có cách ứng xử mang tính nhân văn cao, làm nhiều người bất ngờ như việc ứng xử của cô giáo Nguyễn Thị Phiêm - Trường TH Bình Hàng Trung 2, huyện Cao Lãnh giải quyết tình huống HS trong lớp bị mất cắp tiền rất tế nhị, giàu tính nhân văn, phù hợp với tâm lý HS, giúp các em nhận thức tốt vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; ứng xử có hiệu quả của thầy Huỳnh Văn Mến - Trường THCS-THPT Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò trong việc khuyên học sinh có ý định bỏ học trở lại lớp;...
HS tham gia cuộc thi cũng đã thể hiện nhiều tình huống khá sinh động, cách xử lý tình huống sáng tạo, bất ngờ thể hiện sự trưởng thành trong nhận thức, hành động của HS. Mỗi bài viết dự thi, các em luôn thể hiện tình cảm tôn trọng đối với thầy cô, sự quan tâm, giúp đỡ bạn bè, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ.
Sau thời gian cân nhắc, Ban Tổ chức cuộc thi đã chấm, chọn 145 bài thi đạt yêu cầu, trong đó có 95 bài của GV, 50 bài của HS, đồng thời tổ chức buổi tọa đàm ngay trong lễ trao giải về vấn đề bạo lực học đường. Bà Phan Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục cho biết: “Số lượng GV, HS tham gia cuộc thi nhiều, cho thấy cuộc thi nhận được sự quan tâm tốt từ phía các thầy, cô, HS. Đây là cuộc thi hay, rất cần thiết bởi vấn đề tâm lý học đường rất quan trọng, nếu không vận dụng tốt thì vấn đề giáo dục sẽ thất bại. GV phải xử lý tình huống, ứng xử sư phạm bằng trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, chọn phương án giải quyết hiệu quả nhất...”.
Ông Trần Thanh Liêm – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Những cuộc thi ứng xử tình huống sư phạm sẽ phần nào giảm bớt bạo lực học đường. Khi xử lý HS, chúng ta không lấy kỷ luật làm đầu mà giáo dục các em theo hướng nhân văn nhất. Ngoài các chương trình giảng dạy, cần hoạt động ngoại khóa, diễn đàn, thảo luận về vấn đề này, biểu dương khen thưởng cá nhân, tập thể làm tốt, đồng thời nhân rộng trong toàn ngành. Những bài viết hay, tốt sẽ được đóng thành tập, làm tư liệu gửi đến các trường để GV xem, tham khảo...”.
Với những hiệu quả mang lại, trong năm học tới cuộc thi sẽ tiếp tục được tổ chức.
C.Phương