Vai trò của việc thiết lập, phát triển mối quan hệ giữa trường đại học với thế giới việc làm
Cập nhật ngày: 13/04/2017 06:24:25
Xu hướng giáo dục đại học hiện đại xác định vấn đề đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, đáp ứng nhu cầu xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng. Trước yêu cầu đó, Trường Đại học Đồng Tháp luôn quan tâm kiến tạo, phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và thế giới việc làm, đơn vị tuyển dụng lao động - nơi mà sinh viên sẽ tìm kiếm được việc làm sau tốt nghiệp. Đồng thời, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người học, nhằm góp phần tăng tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Theo chia sẻ của nhiều nhà quản lý giáo dục, mối quan hệ của trường đại học và thế giới việc làm được thiết lập và phát triển sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà trường, thế giới việc làm, sinh viên và xã hội.
Đối với trường đại học, nhà trường sẽ có nhiều thuận lợi trong việc phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt là xác định người học cần gì hoặc muốn học gì về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đồng thời, nhà trường sẽ xây dựng được một quy trình đào tạo phù hợp, gắn kết với thực tiễn; có thể sử dụng nguồn lực của thế giới việc làm cho đào tạo và nghiên cứu, bao gồm: cung cấp cơ sở thực hành, thực tập nghề nghiệp cho sinh viên, cử giảng viên thỉnh giảng, hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, nhà trường sẽ có nhiều cơ hội tốt để tiếp cận với các đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình hợp tác.
Đối với thế giới việc làm, các đơn vị tuyển dụng lao động có cơ hội để tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng ngay yêu cầu của thực tế công việc mà không phải đào tạo lại; có thể ứng dụng, triển khai các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm, dịch vụ; có thể sử dụng nguồn chất xám từ đội ngũ giảng viên của trường đại học thông qua các chương trình hợp tác; có thể cải tiến quy trình công nghệ, cập nhật các thông tin khoa học.
Đối với người học, sinh viên có thể được tiếp cận với tình huống nghề nghiệp thực tiễn, có cơ hội tốt để phát triển kỹ năng nghề nghiệp ngay cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dễ dàng kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, có cơ hội nhận được các nguồn tài trợ, học bổng cho học tập và nghiên cứu, có thể phát triển kế hoạch bản thân để chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp tương lai.
Đối với xã hội, nguồn nhân lực không bị lãng phí, vì sản phẩm đào tạo luôn đáp ứng yêu cầu xã hội và được sử dụng đúng mục đích. Hiệu quả sản xuất, dịch vụ và chất lượng công việc được nâng cao bởi đội ngũ lao động có tay nghề cao là yếu tố góp phần tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chiến lược phát triển Trường Đại học Đồng Tháp giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định “Xây dựng chiến lược phát triển hợp tác” là một nội dung ưu tiên. Nhà trường luôn thúc đẩy sự hợp tác và coi hợp tác là một giá trị cơ bản. Đó là giữ gìn, phát triển và mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương giữa trường với các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, cùng có lợi, cùng phát triển.
Thời gian qua, Trường Đại học Đồng Tháp từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về thế giới việc làm, chủ trì và phối hợp tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo về đào tạo và giải quyết việc làm; phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan, thực hành, thực tập nghề nghiệp cho sinh viên; làm cầu nối giữa các thế hệ sinh viên nhằm huy động thêm nguồn lực góp phần phát triển nhà trường; tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng. Các khoa đào tạo của trường đi tiên phong trong công tác này là: khoa Văn hóa – Du lịch, khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, khoa Tài nguyên và Môi trường. Nhiều sinh viên đã tìm được việc làm phù hợp, được hưởng lương của đơn vị sử dụng lao động ngay khi còn ở giảng đường đại học. Nhiều mô hình khởi nghiệp của sinh viên bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
“Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, người học hình thành hai tố chất: Năng lực tư duy sáng tạo và Năng lực hành động sáng nghiệp - năng lực tạo lập việc làm cho mình và cho người khác trong môi trường cạnh tranh và thay đổi không ngừng” là mục tiêu hướng đến của Trường Đại học Đồng Tháp. Vì vậy, cùng với quy định chuẩn đầu ra đối với người học được cập nhật, nhà trường đã bổ sung “chuẩn công tác xã hội dành cho người học” để gắn kết sinh viên với cộng đồng, tổ chức thường xuyên các lớp học chuyển giao kinh nghiệm làm việc, các khóa đào tạo kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, nhà trường đang tổ chức phát triển chương trình đào tạo để đưa môn học “Kỹ năng tìm kiếm việc làm” vào giảng dạy cho sinh viên của trường.
NGUYỄN VĂN NGHIÊM