Chính sách khuyến khích đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ

Cập nhật ngày: 04/09/2021 14:28:06

ĐTO - Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 44 ngày 17/8/2021 ban hành Quy định về một số chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 27/8/2021.

Các hoạt động khoa học và công nghệ khuyến khích thực hiện bao gồm hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ; đổi mới, chuyển giao công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Việc hỗ trợ phải được thực hiện đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng; đảm bảo hỗ trợ đúng nội dung, đối tượng và phát huy hiệu quả. Đối với cùng một nội dung, nếu có các mức ưu đãi, hỗ trợ khác nhau tại các chính sách khác của tỉnh thì cơ sở được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất.

Đối tượng áp dụng là các tổ chức kinh tế có đăng ký kinh doanh, đầu tư theo quy định của pháp luật như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác (các tổ chức kinh tế nêu trên sau đây gọi tắt là cơ sở); cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Về hỗ trợ hoạt động phát triển sở hữu trí tuệ, tỉnh thực hiện hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu thông thường không quá 5 triệu đồng/nhãn hiệu (hỗ trợ tối đa 5 nhãn hiệu/cơ sở); hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu tập thể không quá 10 triệu đồng/nhãn hiệu (hỗ trợ tối đa 3 nhãn hiệu/cơ sở); hỗ trợ chi phí thiết kế kiểu dáng công nghiệp không quá 10 triệu đồng/kiểu dáng.

Hỗ trợ chi phí đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm sáng chế/giải pháp hữu ích, nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp, mạch tích hợp bán dẫn. Cụ thể, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong nước (hỗ trợ tối đa 5 văn bằng/cơ sở), chi phí hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/sáng chế; không quá 15 triệu đồng/giải pháp hữu ích; không quá 5 triệu đồng/nhãn hiệu (thông thường); 20 triệu đồng/nhãn hiệu tập thể; 10 triệu đồng/kiểu dáng công nghiệp; không quá 10 triệu đồng/mạch tích hợp bán dẫn. Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp ra nước ngoài, hỗ trợ trên tổng chi phí không quá 20 triệu đồng/đối tượng sở hữu công nghiệp (hỗ trợ tối đa 3 văn bằng/cơ sở).

Về hỗ trợ hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ, tỉnh hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ có đăng ký chuyển giao được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp xác nhận. Cụ thể, hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng đối với chuyển giao công nghệ không kèm máy móc, thiết bị (hỗ trợ cho các nội dung như: chi phí tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật; chuyển giao phương án, quy trình công nghệ; chuyển giao giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu). Hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng nhưng không quá 200 triệu đồng/hợp đồng đối với chuyển giao công nghệ có kèm máy móc, thiết bị.

Đối với các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, mức hỗ trợ chi phí tham gia và đạt Giải vàng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia không quá 20 triệu đồng/lượt; hỗ trợ chi phí tham gia và đạt Giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương nhưng không quá 30 triệu đồng/lượt; hỗ trợ chi phí xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng 50% giá trị hợp đồng nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/hệ thống...

Điều kiện hỗ trợ là cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh; không vi phạm các quy định của pháp luật (trong sản xuất, kinh doanh; theo cam kết của cơ sở) trong thời gian ít nhất 24 tháng, tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Cơ sở đã hưởng chính sách hỗ trợ tại các quy định khác của tỉnh trùng với nội dung hỗ trợ tại Nghị quyết này thì không được xem xét hỗ trợ...

NHẬT ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn