Hành tinh giống trái đất nhất lộ diện
Cập nhật ngày: 12/01/2013 08:08:34
Với bán kính gấp 1,5 lần địa cầu, một hành tinh xoay quanh ngôi sao giống mặt trời là thiên thể giống trái đất nhất mà con người từng biết.
Hình minh họa một hành tinh có đặc điểm giống trái đất trong dải Ngân Hà
Hơn một tuần sau khi các nhà thiên văn quốc tế tuyên bố họ sẽ tìm thấy phiên bản song sinh của địa cầu, kính thiên văn không gian Kepler của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một ứng cử viên sáng giá. KOI 172.02 - tên của hành tinh này - là thiên thể giống trái đất nhất mà giới thiên văn từng thấy, Space đưa tin.
Khác biệt giữa KOI 172.02 và địa cầu là rất nhỏ. Bán kính của nó lớn hơn bán kính trái đất khoảng 50% và nó xoay quanh một ngôi sao khá giống mặt trời. Khoảng cách giữa nó và ngôi sao tương đương 3/4 khoảng cách từ trái đất tới mặt trời -nghĩa là sự sống có thể tồn tại trên bề mặt của nó. Một năm của KOI 172.02 kéo dài 242 ngày, nghĩa là nó nằm gần ngôi sao riêng hơn so với trái đất. Mặc dù vậy, nó tận hưởng mọi điều kiện thuận lợi đối với sự sống.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta tìm thấy một hành tinh gần giống trái đất và xoay quanh một ngôi sao rất giống mặt trời. Trước kia chúng ta chỉ phát hiện những hành tinh xoay quanh các ngôi sao hoàn toàn khác biệt với mặt trời", Natalia Batalha, một nhà thiên văn của Trung tâm Nghiên cứu Ames thuộc NASA, bình luận.
Nhà vật lý thiên văn Mario Livio, một nhà khoa học của NASA, khẳng định rằng phát hiện KOI 172.02 là một thành tựu quan trọng.
"Chắc chắn nó là một ứng cử viên đầy triển vọng đối với những người săn lùng sự sống bên ngoài trái đất", Livio nói.
Kết quả phân tích dữ liệu của kính Kepler cho thấy "phiên bản song sinh của địa cầu" không phải là hành tinh đá, song khả năng nước tồn tại trên đó là rất lớn.
"Có lẽ chúng ta sẽ không thấy động vật sống trên cạn ở đó, song có thể thấy những con cá heo rất thông minh", Livio nói đùa.
Dữ liệu từ kính thiên văn Kepler cho thấy hơn 17 tỷ hành tinh có kích cỡ tương đương trái đất đang "cư ngụ" trong dải Ngân Hà.
(Theo TPO)