Kế hoạch ứng phó thảm họa bão mặt trời

Cập nhật ngày: 10/11/2015 06:58:11

Những cơn bão mặt trời đe dọa phá hủy toàn bộ hệ thống điện trên Trái Đất và đưa con người trở về thời kỳ tăm tối.


Bão mặt trời có thể vô hiệu hóa hệ thống điện trên Trái Đất. Ảnh: NASA

Hôm 29/10, Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia của Mỹ (NSTC) công bố kế hoạch chuẩn bị đối phó với bão mặt trời, thảm họa có thể phá hủy các vệ tinh, tàu vũ trụ và hệ thống liên lạc viễn thông trên Trái Đất,Science Alert đưa tin.

Theo báo cáo của NSTC, các hệ thống điện tử trên tạo thành một mạng lưới phức tạp có sự phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau, trong đó hỏng hóc ở một hệ thống sẽ ảnh hưởng đến các hệ thống khác.

Mặt Trời bắn phá một lượng lớn hạt nguyên tử mang điện tích vào vũ trụ dưới dạng gió mặt trời ở tốc độ  1,6 triệu km/h. Thông thường, gió mặt trời yếu đến mức phần lớn bị từ trường Trái Đất làm chệch hướng. Tuy nhiên, nếu một cơn gió mạnh tạo thành bão, nó có thể dễ dàng xuyên thủng từ trường, vô hiệu hóa các hệ thống điện và đưa con người trở lại thời kỳ đen tối chỉ trong vài giờ. Canada từng hứng chịu hậu quả do bão mặt trời gây ra vào năm 1989 khi hệ thống truyền tải điện ngừng hoạt động trong suốt 9 giờ.

Các chuyên gia ước tính một cơn bão mặt trời có thể gây thiệt hại kinh tế lên đến hai tỷ USD, cao hơn gần 10 lần so với thiệt hại từ các thảm họa tự nhiên được ghi nhận trong lịch sử. Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), khả năng chúng ta bị bão mặt trời tấn công trong thập kỷ tới là 12%.

Tuy không thể ngăn chặn bão mặt trời mạnh hướng đến Trái Đất, chúng ta có thể tiến hành một số biện pháp giúp giảm thiểu thiệt hại. Biện pháp đầu tiên là dự đoán thời điểm bão mặt trời hoành hành.

Hiện nay, Trung tâm Dự báo Thời tiết Vũ trụ thuộc Cục Hải dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) đang tiến hành chương trình theo dõi Mặt Trời 24/7 để phục vụ mục đích đặc biệt này. “Bạn có thể nghĩ về Mặt Trời như một loại núi lửa. Rất khó dự đoán chính xác khi nào nó phun trào, nhưng bạn có thể xem xét những dấu hiệu báo trước”, Thomas Berger, giám đốc trung tâm, chia sẻ.

Ngay khi vụ phun trào diễn ra và bão mặt trời chuẩn bị tấn công Trái Đất, NOAA có thể cảnh báo trước từ 12 - 15 tiếng cho các bên liên quan như hãng hàng không, trạm điều khiển vệ tinh vũ trụ và công ty điện lực. "Khoảng thời gian đó chưa nhiều như kỳ vọng, sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có thể cảnh báo sớm hơn, nhưng hiện tại, đó là điều tốt nhất chúng tôi có thể thực hiện", Berger nói. Ông cho biết những nghiên cứu liên tục về Mặt Trời của NASA chắc chắn sẽ giúp cải thiện hệ thống cảnh báo trong tương lai.

Tuy nhiên, dự báo khi nào một cơn bão mặt trời hướng đến Trái Đất chưa đủ, các nhà khoa học cần đoán trước độ mạnh của nó. Để xác định cường độ bão, NOAA sử dụng thiết bị giống như phao sóng thần trong không gian. Thiết bị Advanced Composition Explorer (ACE) này trôi nổi cách Trái Đất khoảng 1,5 triệu km, nằm giữa hành tinh của chúng ta và Mặt Trời. Khi một cơn bão đi đến vị trí của ACE, nó sẽ truyền thông tin về Trái Đất ở vận tốc ánh sáng. Các nhà khoa học có thời gian 15 - 60 phút trước khi cơn bão tác động đến Trái Đất. Họ sẽ biết chính xác độ lớn và chiều hướng diễn biến của cơn bão.

ACE đã 17 tuổi và sẽ sớm được thay thế bằng vệ tinh Deep Space Climate Observatory (DSCOVR), đóng vai trò như hệ thống cảnh báo bão mặt trời cơ bản của Mỹ.

VNE

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn