NASA tập dượt cứu Trái Đất khỏi thiên thạch
Cập nhật ngày: 09/10/2015 05:18:58
Các nhà khoa học của NASA và đồng nghiệp châu Âu lên kế hoạch thử nghiệm biện pháp dùng tàu vũ trụ đâm thiên thạch có khả năng hủy diệt Trái Đất.
Tàu AIM của ESA giữ vai trò theo dõi kết quả va chạm và nghiên cứu thiên thạch
Theo Independent, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang thực hiện dự án Đánh giá tác động và làm chệch hướng thiên thạch (AIDA), nhằm cho tàu vũ trụ nhỏ đâm vào thiên thạch hình quả trứng mang tên Didymoon để thử nghiệm biện pháp giải cứu Trái Đất trong tương lai.
Didymoon hiện không gây ra mối đe dọa nào cho Trái Đất vì nó ở quá xa và quá nhỏ. Thời điểm thiên thạch này đến gần Trái Đất nhất là vào năm 2003, ở khoảng cách 7,2 triệu km. Tuy nhiên, AIDA sẽ là một thử nghiệm quan trọng chỉ ra mức độ khả thi của phương án dùng tàu vũ trụ làm chệch hướng thiên thạch có khả năng hủy diệt Trái Đất. Theo kế hoạch, hai tàu vũ trụ sẽ được phóng vào tháng 10/2020, và dự kiến sẽ đến gần Didymoon vào tháng 5/2022.
Tàu vũ trụ do NASA phụ trách phóng mang tên Double Asteroid Redirection Test (DART), có nhiệm vụ làm chệch hướng thiên thạch. Trong khi đó, tàu Asteroid Impact Mission (AIM) của ESA sẽ bay quanh Didymoon để theo dõi tác động của vụ va chạm. Ngoài ra, AIM cũng tính toán khối lượng, nghiên cứu quỹ đạo, chuyển động quay và cấu trúc thiên thạch để tìm hiểu nguồn gốc cũng như quá trình tiến hóa của nó.
"Để bảo vệ Trái Đất trước những va chạm nguy hiểm, chúng ta cần hiểu rõ hơn về các thiên thạch như thành phần, cấu trúc, nguồn gốc và cách chúng tương tác khi va chạm. Thiên thạch là kết quả từ các giai đoạn khác nhau của quá trình hình thành hành tinh, do đó nó cung cấp những thông tin thú vị về lịch sử hệ Mặt Trời", Giáo sư Patrick Michel, trưởng nhóm nghiên cứu ở ESA, cho biết.
VNE