Phát hiện hóa thạch ngư long 152 triệu năm

Cập nhật ngày: 27/10/2017 06:11:35

Mới đây các nhà khoa học Ấn Độ phát hiện một hóa thạch 152 triệu năm tuổi của ngư long - một loài bò sát sống dưới biển đã tuyệt chủng.


Hóa thạch ngư long vừa được tìm thấy ở Ấn Độ - Ảnh: Guntupalli VR Prasad

Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học từ Ấn Độ và Đức cho rằng hóa thạch mới này có thể là loài Ophthalmosauridae, một trong những thành viên trong "gia đình" ngư long sống ở nhiều đại dương từ 90-165 triệu năm trước.

Theo BBC, đây là lần đầu tiên hóa thạch ngư long được tìm thấy ở Ấn Độ. 

Hóa thạch được phát hiện bên trong khối đá ở sa mạc Kutch, tiểu bang Gujarat, có niên đại từ thời Đại Trung Sinh cách đây khoảng 66 - 252 triệu năm trước

Giáo sư Guntupalli VR Prasad, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết hóa thạch dài 5,5m và gần như còn nguyên vẹn, trừ một vài chi tiết phần đầu và xương đuôi đã bị mất.


Hình ảnh về loài ngư long - Ảnh: Heinrich Harder

"Đây là một phát hiện tuyệt vời không chỉ vì lần đầu tiên tìm thấy ngư long từ kỷ Jura ở Ấn Độ, mà qua đó còn gợi mở quá trình phát triển và đa dạng sinh học của loài ngư long ở vùng Indo-Madagascar. 

Đồng thời, phát hiện cũng cho thấy sinh học ở Ấn Độ có sự liên kết với những lục địa khác trong kỷ Jura, chẳng hạn như mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nam Mỹ vào 150 triệu năm trước", ông Prasad nói.

Ngư long thường bị nhầm lẫn là một loài "khủng long bơi", lần đầu tiên xuất hiện vào thời kỳ đầu của Kỷ Tam Điệp từ 199-251 triệu năm trước. Ngư long còn có tên dân gian là "thằn lằn cá" mặc dù nó đã được liệt vào lớp bò sát chứ không phải lớp cá từ giữa thế kỷ 19.

Ngư long có chiều dài từ 1-14m, tuy nhiên trung bình từ 2-3m. Điểm nổi bật của chúng là hàm răng nhọn và sắc, khiến các nhà khoa học cho rằng đây là loài săn mồi hàng đầu trong đại dương ngày trước.

Ngư long tuyệt chủng sớm hơn cả khủng long, vào cuối Kỷ Phấn Trắng, từ 65,5-145,5 triệu năm trước.

Phát hiện được đăng trên tạp chí khoa học Plos One.

TRỌNG NHÂN (TTO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn