Phát hiện quan trọng mở ra hướng mới điều trị bệnh cúm
Cập nhật ngày: 12/12/2015 07:27:49
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, các nhà nghiên cứu ở Zurich, Thụy Sĩ đã xác định được một loạt phân tử mới được coi là phương tiện sao chép của virus cúm, từ đó có thể sử dụng chúng để ngăn chặn virus lây lan hơn nữa.
Ảnh minh họa
Đây có thể là một bước phát triển quan trọng đóng góp cho việc tìm kiếm phương pháp điều trị cúm mới.
Lâu nay, các nhà nghiên cứu vẫn biết rằng khi cơ thể bị nhiễm virus cúm, các virus này sẽ "tái tạo" và được nhân lên nhiều ở đường hô hấp. Các virus sao chép để tái tạo dựa trên các phân tử chủ, điều này dẫn đến sự cần thiết phải xác định và ngăn chặn phân tử chủ.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện 20 phân tử chủ thúc đẩy sự phát triển của virus cúm A mà trước đó chưa từng được biết. Một trong những protein chủ là UBR4, mà virus cần để vận chuyển protein của virus vào màng tế bào và tạo dựng mới.
Điều này diễn ra như sau: các virus cúm A xâm nhập vào tế bào chủ. Các thành phần của virus sau đó được đưa đến bề mặt tế bào, nơi chúng hình thành các virus mới. Kết quả là có tới 20.000 virus cúm mới có thể phát triển từ một tế bào chủ bị nhiễm.
Theo Giáo sư Silke Stertz từ Viện Virus Y học tại trường Đại học Zurich, những protein chủ không thay đổi là rất quan trọng đối với sự sao chép của virus.
Từ thực tế trên, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm chặn UBR4 và việc làm này giúp ức chế quá trình sản xuất của các mầm virus mới trong những tế bào bị nhiễm bệnh. Điều này cho thấy việc ngăn chặn các phân tử chủ là khả thi và có thể coi như là một chiến lược để điều trị cúm.
Dịch cúm xảy ra hầu như mỗi năm trên thế giới với một số chủng, chẳng hạn như cúm H1N1 trong giai đoạn 2009-2010, gây ra đại dịch toàn cầu. Trong những năm gần đây, một số virus cúm A được tìm thấy có khả năng kháng thuốc cúm hiện có, có thể dẫn đến việc thuốc không đáp ứng được với các bệnh nhân.
Riêng tại Thụy Sĩ, cúm theo mùa khiến 5.000 ca nhập viện, chủ yếu ở nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, và lên đến 1.500 ca tử vong mỗi năm.
Theo Vietnam+