Phát lộ nền tháp Chăm-pa nghìn tuổi
Cập nhật ngày: 04/08/2012 14:14:20
Nền móng của một ngôi đền tháp Chăm-pa có niên đại khoảng 1.000 tuổi đã phát lộ sau hơn nửa tháng di tích khảo cổ Chăm-pa tại Đà Nẵng được tiến hành khai quật.
Di tích khảo cổ nằm tại làng Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Lần khai quật này do Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp với ĐH KHXH&NV Hà Nội tiến hành. Trên tổng diện tích khoảng 500m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện một quần thể phế tích, trong đó đáng chú ý nhất là nền móng của ngôi đền tháp Chăm-pa được xây dựng cách đây khoảng 1.000 năm.
Nền móng phát lộ của tháp Chăm-pa
Theo ông Nguyễn Xuân Mạnh, giảng viên bộ môn khảo cổ học, ĐH KHXH&NV, người trực tiếp chỉ huy khai quật, ngôi đền tháp Chăm-pa đang khai quật này có diện tích khoảng 16x16m với 4 góc tháp, 3 cửa phụ, 1 cửa chính. Tại một hố khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện chân móng tháp dày tới hơn 2m, được gia cố rất công phu với nhiều lớp đá cuội và cát xen giữa những lớp gạch… hết sức bí ẩn.
Tại đây, các nhà khảo cổ cũng đã xác định được vị trí tháp chính, kích thước, vị trí trung tâm nơi đặt bệ thờ… Tiếp theo, họ sẽ tập trung khai quật các bậc lên xuống ở các cửa tháp, xác định độ dày, độ rộng tường tháp, kết cấu nền móng dưới tháp…
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết những phần nền móng tháp Chăm-pa phát lộ cho thấy di tích khảo cổ Phong Lệ là khu vực tập trung một số đền tháp lớn, trùng khớp với các ghi chép trong thư tịch của các học giả Pháp đầu thế kỷ 20.
“Trong khi việc nghiên cứu các đền tháp Chăm-pa ở nhiều nơi khác chủ yếu là phần lộ thiên thì tại đây, do các di tích đã bị san phẳng nên lại là cơ hội tốt để nghiên cứu những bí ẩn trong kỹ thuật xây dựng nền móng khiến các đền tháp Chăm-pa có thể đứng vững cả nghìn năm mà không bị nghiêng, lún”, ông Thắng nhận định.
Trước đó, tháng 6/2011, tại khu di tích này, các nhà khảo cổ học đã khai quật và phát hiện khoảng 30 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật còn tương đối nguyên vẹn như voi bằng đá, gạch có trang trí hoa văn, bậc tam cấp bằng đá… Cũng từ lần khai quật đó, giới khảo cổ học Việt Nam xác định tại đây còn có một toà tháp Chăm-pa bị sụp đổ và vùi lấp từ lâu, có niên đại khoảng 10 thế kỷ trước.
VT (Theo Hải Tâm-Vietnamnet)