Thúc đẩy phong trào sáng tạo kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Cập nhật ngày: 01/07/2025 05:09:26
ĐTO - Trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo không chỉ là lựa chọn mà là yêu cầu “sống còn” đối với mỗi địa phương, đặc biệt với các tỉnh có xuất phát điểm nông nghiệp như Đồng Tháp. KHCN không chỉ là công cụ nâng cao năng suất, giảm chi phí, đó còn là nền tảng để tạo ra sản phẩm, ngành nghề và thị trường mới thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững...

Hội đồng Giám khảo phỏng vấn và xem sản phẩm dự thi
Hội thi - Động lực lan tỏa tinh thần sáng tạo
Điểm sáng trong hoạt động KHCN ở tỉnh Đồng Tháp là Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18, năm 2024 - 2025 (viết tắt là Hội thi). Hội thi do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp (Liên hiệp Hội Đồng Tháp), Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp tổ chức. Theo đó, Liên hiệp Hội Đồng Tháp là cơ quan thường trực tổ chức Hội thi.
Hội thi không chỉ thu hút đông đảo đội ngũ trí thức, giáo viên, học sinh, doanh nghiệp mà còn gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và thực tiễn sản xuất, đời sống.
Hội thi lần thứ 18 được phát động từ tháng 5/2024 đến hết tháng 5/2025 với 6 lĩnh vực dự thi gồm: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí, điện, tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; giáo dục, đào tạo; nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; y dược; vật liệu hóa chất, năng lượng. Hội thi lần thứ 18 có 58 giải pháp tham gia dự thi của các tác giả là giáo viên, nhà khoa học, doanh nghiệp và học sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tăng 100%. Dựa trên các tiêu chí được thống nhất như tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng thực tế, hiệu quả, hình thức thể hiện và quá trình thực hiện của tác giả, nhóm tác giả. Ban Tổ chức đã xếp giải cho 38 giải pháp, đạt 65,5%, trong đó có 3 giải Nhất, 11 giải Nhì, 9 giải Ba, 15 giải Khuyến khích.

Tác giả giới thiệu về sản phẩm dự thi
Nhiều giải pháp thiết thực, khả thi
So với các Hội thi trước, Hội thi lần thứ 18 bước đầu đạt được những kết quả tích cực, từ công tác triển khai đến thực hiện. Các giải pháp tham gia Hội thi xuất phát từ thực tế tại các đơn vị sản xuất kinh doanh và trường học. Một số giải pháp có sự đầu tư về thiết kế, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng KHCN hiện đại trong sản xuất, vận hành. Cụ thể như Giải pháp “Máy kéo bánh xích” của tác giả Phan Tấn Bện - Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn có nhiều cải tiến phù hợp với địa phương. Máy kéo bánh xích hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, kết nối được nhiều phụ kiện nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể sản xuất quy mô lớn, phục vụ kinh tế địa phương và đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với giải pháp “Xây dựng phần mềm hỗ trợ dạy thực hành hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL cho giáo viên môn Tin học lớp 11 theo Chương trình Sách giáo khoa mới” của tác giả Lê Anh Trung - Trường THPT TP Sa Đéc giúp giáo viên thuận lợi trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh. Hay như giải pháp “Mô hình IOT Robot” của nhóm tác giả: Trần Thanh Toàn, Trần Văn Lực, Nguyễn Thị Cẩm Tú - Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp có tính sáng tạo, áp dụng vào thực tiễn giảng dạy giúp sinh viên dễ hiểu...

Đại biểu tham quan các giải pháp trưng bày tại Hội thi
Tăng cường phối hợp, lan tỏa phong trào
Kết quả trên là do Liên hiệp Hội làm tốt công tác tuyên truyền đến các đối tượng là giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh; cán bộ, viên chức các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; giáo viên các trường Tiểu học, THCS và THPT; các doanh nghiệp. Đồng thời, Liên hiệp Hội đăng tải thông tin về Hội thi trên Infographics của Trang thông tin điện tử. Nhờ đó thu hút số lượng rất lớn hồ sơ tham gia dự thi, huy động được sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, của đội ngũ trí thức và các em học sinh, góp phần phát triển phong trào lao động sáng tạo khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng Hội thi, đòi hỏi cần có sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ cần có những biện pháp hỗ trợ cho các sản phẩm đạt giải tiếp tục cải tiến mẫu mã, chất lượng, hiệu quả nhằm hướng đến thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp cần triển khai Hội thi đến các cơ sở Đoàn, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên trong khối cơ quan, doanh nghiệp, trường học phát huy những ý tưởng sáng tạo, góp phần đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo ở địa phương. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh cần triển khai đến các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, vận động các đơn vị tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội phát huy ý tưởng sáng tạo và tham gia Hội thi.

Hội đồng giám khảo phỏng vấn tác giả dự thi
Cùng với đó, Liên hiệp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Hội thi với các hình thức phong phú như qua kênh Zalo, Youtube, Infographic. Đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tăng cường công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực xã hội để thu hút mọi tầng lớp trong xã hội tham gia Hội thi; các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cá nhân có ý tưởng giải pháp kỹ thuật, công nghệ tham gia Hội thi.
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng, rất cần các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu để tạo ra các công nghệ mới về năng lượng, vật liệu, sinh học, môi trường, y tế... gắn nghiên cứu với ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đưa KHCN về phát triển vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để người dân có thể áp dụng vào đời sống, nâng cao chất lượng sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm và của cải cho gia đình và xã hội...
Hội thi đang dần trở thành “vườn ươm” trí tuệ, khơi dậy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo trong cộng đồng. Đây không chỉ là sân chơi trí tuệ mà còn là động lực để từng bước hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại địa phương - yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
PHẠM HÒA