Tượng sáp được làm ra thế nào?

Cập nhật ngày: 01/03/2013 09:34:48

Họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà giải phẫu và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác cùng tham gia vào quá trình nặn tượng sáp, một công việc có thể kéo dài hơn ba tháng.


Tượng sáp của ban nhạc Beatles trong bảo tàng Madame Tussauds
tại thành phố New York, Mỹ

Sản xuất tượng sáp là quy trình có thể ngốn tới hàng nghìn USD. Sáp ong hoặc chất dẻo giống như sáp là nguyên liệu để làm tượng. Đầu tiên nhà điêu khắc phải thu thập thông số về nhân vật mà họ muốn mô phỏng - như khuôn mặt, màu tóc, chiều cao, màu mắt, kích thước các vòng, phong cách đặc trưng. Ngày nay người ta có thể dùng ảnh, video và thậm chí máy quét để hỗ trợ quá trình thu thập dữ liệu.

Sau đó nghệ nhân lên khuôn thạch cao cho từng bộ phận cơ thể rồi đổ sáp nóng chảy vào khuôn. Đầu của tượng sẽ được tách khỏi thân để nghệ nhân gắn răng, cấy tóc và mắt. Cấy tóc là công đoạn phức tạp nhất, đặc biệt là đối với những nhân vật có mái tóc phức tạp. Nghệ nhân dùng một cây kim đặc biệt để đưa tóc vào đầu. Đôi khi quá trình cấy tóc kéo dài tới vài tuần.

Người ta sử dụng nhiều chất phụ gia với sáp để tạo nên những hiệu ứng nhất định - như khiến cho màu sắc của tượng trở nên trung thực, tươi sáng hơn, tăng độ bền và chất lượng của tượng. Ví dụ, việc cho axit stearic vào sáp sẽ làm tăng độ sáng của sáp, đồng thời giảm độ trong suốt và hiện tượng co ngót. Người làm khuôn và nhà giải phẫu cùng tham gia chỉnh sửa hình mẫu hoàn chỉnh. Họ lắp ráp, tô vẽ, đánh véc ni cho tượng sáp để ngăn bụi, đồng thời tăng mức độ chân thực của tượng.

Trang web của Bảo tàng tượng sáp Hollywood tại Mỹ cho biết, một nhóm làm tượng sáp gồm 7 người của họ thường mất hơn ba tháng để hoàn thành một tác phẩm.

Các nghệ nhân tạo ra những bức tượng sáp đầu tiên để phục vụ ngành y từ hàng trăm năm trước. Vào thời đó, duy trì tử thi nguyên trạng để sinh viên ngành y thực hành là việc cực khó. Vì thế tượng sáp là công cụ trực quan vô cùng quan trọng đối với họ.

Giai đoạn cuối thế kỷ 18 là thời mà kỹ thuật nặn tượng sáp đạt tới đỉnh cao. Dần dần người ta tạo ra tượng sáp để phục vụ những mục đích khác - như trưng bày trong bảo tàng, phục vụ nhu cầu của nhà sưu tầm cá nhân. Nhà vật lý Phillippe Curtius (1737-1794) tại Paris đã nâng kỹ thuật nặn tượng sáp lên thành một môn nghệ thuật tạo hình. Ông là tác giả của bức tượng sáp "Người tình của Louis XVI". Nó là bức tượng sáp cổ nhất vẫn còn được trưng bày.

Phillippe Curtius truyền lại kỹ thuật nặn tượng sáp cho cô cháu gái Marie Tussaud, một phụ nữ người Pháp tài năng. Về sau Tussaud thành lập bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds lừng danh tại London vào năm 1835. Sau đó các chi nhánh của nó lần lượt xuất hiện tại nhiều thành phố nổi tiếng như Berlin, Amsterdam, Thượng Hải.

Nhân vật chủ yếu trong các bảo tàng tượng sáp là những người nổi tiếng trong mọi lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, chính trị, thể thao, khoa học. Người ta nặn tượng của những người từng tồn tại - như ông hoàng nhạc pop Michael Jackson, nhà vật lý Albert Einstein, nữ hoàng Anh Elizabeth, song cũng nặn cả tượng của những nhân vật hư cấu như Shrek, chuột Mickey.

Bảo tàng Grévin tại Pháp cũng là nơi mà những người yêu mến tượng sáp muốn tới. Tại đây du khách có cơ hội chiêm ngưỡng 450 tượng sáp. Chúng tái hiện một số cảnh tượng lịch sử - như vua Louis XVI bị giam tháp Temple, bước chân đầu tiên của con người trên mặt trăng. Hiện nay trên thế giới nhiều thành phố có bảo tàng tượng sáp, thường là nơi rất hút khách tham quan.

(Theo VnE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn