Việt Nam đảm bảo an toàn, hiệu quả khi phát triển điện hạt nhân
Cập nhật ngày: 04/12/2015 13:00:53
Ngày 3/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) tổ chức hội thảo “Phát triển điện hạt nhân và trách nhiệm an toàn của các bên liên quan".
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới và ở Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan trong triển khai dự án điện hạt nhân đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tại hội thảo, chuyên gia của Rosatom đã giới thiệu về lịch sử phát triển công nghệ hạt nhân của Nga với công nghệ VVER, đặc biệt là công nghệ mới nhất VVER-TOI.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Pavel A. Belousov (Đại học Nghiên cứu Hạt nhân quốc gia Nga), VVER là một trong những phương án thành công nhất nhằm tạo ra một lò phản ứng điện hạt nhân an toàn và hiệu quả. Từ thập niên 1960 đến nay, có 67 tổ máy điện sử dụng lò phản ứng VVER do Nga thiết kế đã được xây dựng và hiện có 57 lò phản ứng đang vận hành tại 19 nhà máy điện hạt nhân của 11 quốc gia. Sự ổn định của các lò phản ứng được chứng minh qua thời gian dài không xảy ra sự cố.
Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, bên cạnh phát triển năng lượng sạch nhằm đảo bảo an ninh năng lượng, Việt Nam luôn chú trọng đến yếu tố an toàn và hiệu quả khi phát triển điện hạt nhân, trong đó luôn tuân thủ những khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dựa theo đánh giá về cơ sở hạ tầng hạt nhân tích hợp (INIR). Hiện nay, công nghệ VVER-TOI là một trong những công nghệ mới nhất với tính năng an toàn cao.
Ông Tuấn cho biết Việt Nam đã cử các chuyên gia sang Nga để đào tạo nhằm đảm bảo an toàn khi triển khai, vận hành nhà máy tại Việt Nam. Việt Nam cũng chú trọng hoàn thiện các văn bản pháp quy, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn, hiệu quả khi phát triển điện hạt nhân.
Về vấn đề pháp quy hạt nhân, ông Lê Quang Hiệp - Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho rằng Việt Nam là một quốc gia mới trong lĩnh vực này, do đó cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác để hoàn thiện khung pháp lý và quy định để phát triển hạt nhân một cách bền vững.
Theo vietnam+