Xu hướng nuôi em bé robot tại Nhật Bản
Cập nhật ngày: 19/10/2016 10:26:43
Tỉ lệ sinh giảm khiến dân số hao hụt và già hóa tại Nhật Bản đã mở đường cho một xu hướng mới: Phát triển em bé robot để khuyến khích các cặp đôi trở thành “cha mẹ”.
Liên Hiệp Quốc dự đoán vào năm 2050, số người từ 70 tuổi trở lên sẽ gấp đôi số người trong độ tuổi từ 15-30 ở Nhật Bản. Đứng sau hiện tượng này là sự gia tăng những người chọn lối sống độc thân, phụ nữ không kết hôn và thiếu dân nhập cư.
Để bồi đắp cảm xúc làm cha mẹ cho các cặp đôi, các loại em bé robot không ngừng được cải tiến, từ loại bắt chước hành vi của trẻ nhỏ đến loại trông sống động như thật. Các kỹ sư tại Tập đoàn Toyota (Nhật Bản) gần đây cho ra mắt robot Kirobo Mini, tuy không có ngoại hình như em bé nhưng lại có hành vi giống trẻ con “dễ tổn thương” như có thể nhận biết và phản ứng với người khác bằng tông giọng cao của trẻ nhỏ. Khác với Kirobo Mini, Yotaro lại là loại robot biểu lộ được cảm xúc trên khuôn mặt. Thậm chí Yotaro còn có thể “bị bệnh” mà biểu hiện là chảy nước mũi.
Robot Kirobo Mini của tập đoàn Toyota vừa ra mắt gần đây Ảnh: EPA
Các nhà khoa học cũng đặt mục tiêu phát triển loại em bé robot ở các độ tuổi khác nhau nhằm giúp các cặp đôi có bước chuẩn bị khi “đứa trẻ” lớn lên. Không dừng lại ở đó, hiện đã xuất hiện một số dự án phát triển robot sử dụng trí tuệ nhân tạo để chúng có thể tự tạo dựng mối quan hệ với con người.
Các nghiên cứu trước đây ở Úc và Mỹ cho thấy đúng là em bé robot có thể thúc đẩy tăng trưởng dân số cũng như làm nảy sinh tình cảm giữa robot và “cha mẹ”. Dù vậy, việc sử dụng em bé robot cũng đặt ra nhiều vấn đề cả về đạo đức và kỹ thuật.
Giữa lúc xu hướng này còn nhiều tranh cãi, người dân Nhật tiếp tục khuyến khích hôn nhân và những dịch vụ hẹn hò như Def Anniversary có vẻ là giải pháp hữu hiệu. Để tham gia Def Anniversary, những người hẹn hò phải đeo khẩu trang trong suốt “cuộc trò chuyện nhanh” kéo dài chỉ 3 phút. Với mục đích để những người tham gia tập trung vào phẩm chất của người đối diện thay vì ngoại hình, ông Kei Matsumura - người đứng đầu dịch vụ hẹn hò Def Anniversary ở thủ đô Tokyo - giải thích thêm: “Để tiến tới hôn nhân, các cặp đôi cần có cơ hội tìm hiểu về tính cách và quan điểm sống của đối phương ngay từ đầu. Do đó, chúng tôi chọn khẩu trang để hỗ trợ họ”.
Theo khảo sát của Bộ Y tế Nhật Bản, tỉ lệ kết hôn tại nước này đã giảm 50% trong 40 năm qua, từ 10,1% vào năm 1975 xuống còn 5,1% trong năm 2014. Cuộc khảo sát cũng cho thấy gần 1/2 số người trong độ tuổi 25-39 muốn kết hôn nhưng chưa tìm được đối tượng phù hợp. Lớn lên trong thời đại kỹ thuật số, người trẻ Nhật Bản đâm ra ngại gặp mặt trực tiếp. Môi trường làm việc kéo dài nhiều giờ càng lấy đi cơ hội của họ. Dường như hẹn hò kiểu Def Anniversary đang là “phao cứu sinh” cho những người này.
Theo Xuân Mai/NLĐ