“Tối ưu hóa các tiện ích để phục vụ doanh nghiệp”

Cập nhật ngày: 16/12/2013 06:16:23

Đó là ý kiến phát biểu của ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Đồng Tháp năm 2013. Trên tinh thần đó, tỉnh đẩy mạnh tạo môi trường làm việc thuận lợi, xem doanh nghiệp là người bạn đồng hành trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...


Dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu vận chuyển
hàng hóa của doanh nghiệp

“Tiềm năng của chúng tôi, cơ hội của bạn”

Nhiều năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, khơi dậy những tiềm năng, quy hoạch tổng thể 32 cụm công nghiệp và đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông. Theo đó, tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ đi qua với 3.402km đường giao thông bộ, tuyến đường N2 sắp hoàn thành cùng cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2017 tạo hệ thống giao thông đồng bộ, giúp tỉnh Đồng Tháp mở ra nhiều triển vọng phát triển, đáp ứng nhu cầu giao thương của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giao thông đường thủy với 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu cùng hệ thống logistics với 6 bến cảng có khả năng phục vụ cho hàng hóa tàu tải trọng 5000DWT thuận lợi tiếp nhận, chuyển hàng hóa ra biển Đông và nước bạn Campuchia.

Thế mạnh của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Cây lúa là một trong loại nông sản chủ lực của tỉnh với sản lượng hàng năm trên 3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD/năm. Theo đó, cây ăn trái sản lượng thu hoạch đạt 200.000 tấn/năm, nhiều loại đã mang thương hiệu vượt ra biên giới đất nước như: nhãn, xoài, bưởi... Thế mạnh thứ 2 của tỉnh là thủy sản với cá tra và tôm càng xanh. Năm 2012, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 500 triệu USD.

Song song đó, thế mạnh sản xuất công nghiệp của tỉnh còn ở công nghiệp chế biến, chiếm trên 90% giá trị toàn ngành, đạt 14.000 tỷ đồng trong sản xuất công nghiệp tỉnh năm 2012. Bên cạnh đó, tiềm năng du lịch của địa phương là rất lớn.

Đặc biệt, tỉnh quan tâm thu hút đầu tư vào sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp, xuất khẩu gạo, chế biến nông sản, cánh đồng liên kết, khai thác khu kinh tế cửa khẩu, may mặc xuất khẩu...; tỉnh có những chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập cho doanh nghiệp với mức thuế suất ưu đãi từ 10-20% trong trong thời gian từ 10-15 năm, được miễn từ 2-4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 4-9 năm tiếp theo. Đồng thời tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp” kịp thời giải quyết những khó khăn của đơn vị...

Trước những tiềm năng đó, tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, huyện, doanh nghiệp tiến tới kí kết 13 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các lĩnh vực: nhà ở xã hội, may mặc, xây dựng cầu, khu dân cư, dự án nhà máy sản xuất Binchotan (than chuông), dịch vụ vui chơi giải trí, nhà máy sấy lúa...

Ông Đặng Văn Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ sản xuất Gia Bảo Hồng Ngự cho biết: “Trước sự “đồng hành” của chính quyền cũng như những tiềm năng sẵn có của địa phương, trong năm 2014, Công ty sẽ đầu tư xưởng may mặc xuất khẩu tại huyện Hồng Ngự với diện tích hơn 11.000m2, thu hút trên 1.200 lao động địa phương. Tuy nhiên, ngoài những lợi thế trên, địa phương cần đầu tư hạ tầng giao thông nhiều hơn để có thể đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp”.

Nhiều chia sẻ của các doanh nghiệp đã giúp tỉnh nhận ra những điểm còn thiếu sót để biến thành sức hút cho nhà đầu tư. Bà Trần Thị Trang Như - Giám đốc Công ty tư vấn sản xuất thương mại Sài Gòn cho rằng, tỉnh có với thế mạnh về cây ăn trái nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này, vì vậy tỉnh cần thu hút đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản trái cây sau thu hoạch để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

“Không để doanh nghiệp thất bại khi đầu tư tại tỉnh”

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Đồng Tháp đạt kết quả như hôm nay là nhờ động lực thúc đẩy rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Những kết quả mà tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp UBND vẫn chưa hài lòng. Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, chúng tôi cam kết có những thay đổi trong thời gian tới, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp, tối ưu hóa các tiện ích để phục vụ doanh nghiệp”.

Nhiều đơn vị đầu tư thành công tại tỉnh cũng chia sẻ và tin tưởng vào tiềm năng, sự đồng hành của chính quyền địa phương. “Trong thời gian đến đầu tư tại Đồng Tháp, chúng tôi có niềm tin vững chắc vào sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh trong việc giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp. Cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở đều cố gắng tạo điều kiện để các nhà đầu tư giảm bớt khó khăn trong thủ tục hành chính và tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh”, ông Cao Ngọc Minh - Phó Giám đốc Công ty Vận tải thủy Tân Cảng chia sẻ.

Đồng chí Lê Vĩnh Tân - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhận định, đạt được vị trí cao về chỉ số năng lực cạnh tranh là nhờ vào cộng đồng doanh nghiệp đã chỉ ra những điểm yếu để tỉnh khắc phục và địa phương xem doanh nghiệp là người bạn đồng hành trong bước đường phát triển, quyết tâm không để doanh nghiệp thất bại khi đầu tư tại tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh chọn mục tiêu phát triển nông nghiệp làm nền tảng kinh tế để cải thiện tăng thu nhập cho người dân. Những dự án kêu gọi đầu tư cũng đặt lên mục tiêu trên. Đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, hiện nay tỉnh đẩy mạnh đào tạo lao động có chất lượng và kỹ thuật cả trong nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh sẽ khai thác thế mạnh trong vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy để đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp với chi phí thấp nhất, hiệu quả nhất.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn