Anh Phạm Thanh Liêm
chế tạo thành công máy sạ hàng

Cập nhật ngày: 24/09/2012 08:43:25

Tuy chỉ mới học tới lớp 6 nhưng anh Phạm Thanh Liêm (37 tuổi) ở xã Láng Biển, huyện Tháp Mười đã thành công trong việc chế tạo, cải tiến ra hai loại máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp phục vụ ngành nông nghiệp.


Máy sạ hàng do anh Liêm sáng tạo

Mê cơ khí từ nhỏ, đến khi lập gia đình, anh Phạm Thanh Liêm gom chút vốn liếng quyết tâm mở xưởng cơ khí nhỏ chuyên sửa máy nông cụ. Đến nay, anh không nhớ nổi mình đã sửa được bao nhiêu máy xới, máy cày bị hỏng. Tuy nhiên, sửa chữa thôi chưa phải là hướng anh cần đến, bởi trong suy nghĩ của anh, bà con nông dân làm ruộng còn cực khổ quá, phải làm đất, gieo sạ, nhổ cỏ, bón phân, thu hoạch... mỗi công đoạn đều tốn nhiều công sức, có máy móc thay thế sức người thì hay biết mấy. Suy nghĩ đó cứ theo anh mãi, để rồi những sáng tạo của anh bắt đầu nảy sinh...

Ban ngày anh Liêm làm thuê, đêm về anh tranh thủ nghiên cứu chế tạo máy sạ hàng. Từ một chiếc máy xới tay, anh thay giàn xới bằng giàn ống sạ, rồi chế ra hệ thống truyền động nối hộp số máy xới với ống sạ. Khi máy di chuyển, hộp sạ tự động quay tròn, lúa giống trong hộp rớt xuống ruộng qua các lỗ được đục với khoảng cách đều nhau xung quanh ống sạ. Nhờ vậy, lúa được sạ theo hàng đều nhau, dầy hay thưa có thể điều chỉnh tùy ý. Đồng thời để bánh xe không dẫm nát ruộng sạ, anh chế tạo ra bánh xe khung sắt như bánh xe cuộc.

Qua 3 năm nghiên cứu, sáng tạo, năm 2009 chiếc máy sạ hàng của anh chính thức hoạt động và được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh mời anh đem máy trình diễn khắp nơi để thử nghiệm. Kết quả được xác nhận là máy có năng suất làm việc cao, từ 4 - 6ha/ngày/người, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Anh Phạm Thanh Liêm cho biết: “... Qua 3 năm nghiên cứu, chiếc máy sạ hàng giờ đây đã có sự cải tiến, mẫu mã đẹp, máy hoạt động rất hiệu quả, tiện dụng vừa sạ lúa kết hợp phun xịt. Năm 2011, chiếc máy sạ hàng của tôi đã được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận hồ sơ bản quyền sáng chế thiết bị gieo hạt thành hàng...”.

Tiếp nối thành công đó, anh cải tiến máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc gọn nhẹ hơn, máy chạy êm, lúa sạch trơn, rơm không kẹt, xuống ruộng hết lún.

Cuối năm 2009, anh Liêm được GS.TS Võ Tòng Xuân mời tham gia dự án “Giúp nông dân châu Phi trồng lúa” với nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật sử dụng máy nông nghiệp. Tại đây, người ta đưa ra những chiếc máy cày nhập từ Mỹ nhờ anh Liêm cải tiến, thay bánh xe cao su bằng bánh lồng như ở Việt Nam, nhưng anh Liêm từ chối, vì trọng lượng máy nặng quá không thể thực hiện được. Anh Liêm đã mô tả cho các chuyên gia ở Châu Phi về hoạt động của những chiếc máy sạ, máy gặt đập liên hợp của Việt Nam...

Sau đó, các chuyên gia ở Châu Phi sang Việt Nam, đến xưởng cơ khí Thanh Liêm tìm hiểu các loại máy do anh chế tạo và yêu cầu anh Liêm cho máy trình diễn. Khi thấy máy sạ, máy gặt đập chạy xuyên suốt trên đồng ruộng, lúa sạ xuống đều và máy có thể cắt được lúa ngã, các chuyên gia ở Châu Phi lập tức ký hợp đồng mua 5 máy sạ và 5 máy gặt đập liên hợp gửi về Mozambique. Đồng thời, họ yêu cầu anh Liêm đưa nhân viên qua hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kể cả kỹ thuật trồng lúa. Thế là anh Liêm nhiệt tình giới thiệu 5 “Nông dân sản xuất giỏi” qua huấn luyện cho nông dân và thợ của Mozambique...

Hiện máy sạ hàng và máy gặt đập liên hợp của anh Liêm hoạt động rất hiệu quả, được nhiều người áp dụng, các loại máy này còn có mặt trên đồng ruộng một số nước Châu Phi. Anh Phạm Thanh Liêm tâm sự: “... Ý tưởng về sản xuất các sản phẩm phục vụ nông nghiệp tôi đã có, tuy nhiên khó khăn hiện nay là thiếu vốn. Tôi mong muốn nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn vay để tôi có điều kiện đổi mới công nghệ sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp...”.

Sự nỗ lực, sáng tạo của anh Phạm Thanh Liêm trong việc cải tiến, nâng cấp chiếc máy thay thế sức người đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành nông sản, đồng thời còn góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp.

Mỹ Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn