Áp dụng quy trình mới, cơ giới hóa vào sản xuất
Cập nhật ngày: 17/03/2022 05:46:53
ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị và triển khai thực hiện tốt sản xuất vụ đông xuân 2021-2022. Tình hình tiêu thụ lúa, hoa màu, cây ăn trái tương đối ổn định, chưa xảy ra tình trạng ùn ứ trước tác động của dịch Covid-19…
Diện tích gieo trồng lúa đông xuân 2021-2022 đạt gần 189.200ha, năng suất bình quân cả vụ ước đạt 72 tạ/ha, sản lượng đạt 1,36 triệu tấn. Cơ cấu giống vụ đông xuân 2021-2022 có chiều hướng dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình sang nhóm chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. So với cùng kỳ vụ đông xuân 2020-2021, nhóm chất lượng cao tỷ lệ tăng 18,5%, nhóm lúa chất lượng trung bình giảm hơn 4,7%...
Hướng tới phát triển ngành hàng lúa gạo, nông dân còn áp dụng rộng rãi các quy trình công nghệ mới trong sản xuất và quản lý dịch bệnh như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, tưới tiết kiệm nước, sử dụng máy cấy, ứng dụng cơ giới hóa... nhằm hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nguồn cung bị gián đoạn, dẫn đến chi phí phân bón tăng cao, ước giá thành sản xuất tăng 542-766 đồng/kg so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm 14-15 triệu đồng/ha so với cùng kỳ.
Đối với hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, vụ đông xuân 2021-2022 xuống giống gần 10.190ha. Theo đó, giá bán một số hoa màu chủ lực ở mức cao hơn khoảng 350-1.200 đồng/kg so với cùng kỳ (riêng ớt, khoai môn giá bán giảm), lợi nhuận trung bình dao động khoảng 11-172 triệu đồng/ha.
Cây ăn trái, cây xoài, cây có múi và cây nhãn là những cây trồng có diện tích và sản lượng lớn, được canh tác tập trung nhiều tại các huyện: Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Tháp Mười, TP Cao Lãnh... Ước sản lượng thu hoạch trên cây ăn trái trong quý I là 153.340 tấn. Trong những tháng đầu năm 2022, giá bán xoài cát chu, cát hòa lộc, chanh tăng từ 5.000 – 30.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng từ 45 – 167 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm trước. Riêng xoài tượng da xanh, nhãn, cam soàn, quýt đường giá bán giảm từ 5.000 - 8.000 đồng/kg so cùng kỳ, lợi nhuận giảm từ 87 – 208 triệu đồng/ha tùy loại.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nhà vườn sản xuất rải vụ kết hợp việc ứng dụng các biện pháp sản xuất an toàn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn cho người lao động và người tiêu dùng. Đến thời điểm hiện nay, diện tích áp dụng rải vụ trên xoài là 5.477ha (đạt 39,4% diện tích) và nhãn là 2.315ha (đạt 45,8% diện tích). Năm 2021, có 431ha cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP với sản lượng ước đạt 6.100 tấn; đăng ký cấp 148 mã số vùng trồng với diện tích 6.447ha và 12 mã số cơ sở đóng gói quả tươi đối với thị trường Trung Quốc và các nước phát triển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, xuất hiện một số mô hình sản xuất lúa nổi bật của tỉnh. Cụ thể là mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười với quy mô 66,5ha. Mô hình này thực hiện cơ giới hóa toàn diện từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất lúa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tạo được vùng nguyên liệu lớn. So với ruộng không áp dụng theo quy trình, mô hình giúp người dân thu về lợi nhuận cao hơn từ 3 - 8 triệu đồng/ha.
Dù chỉ mới thực hiện trong thời gian ngắn nhưng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng chuỗi giá trị sản phẩm do Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm thực hiện bước đầu mang lại giá trị kinh tế, hướng tới sản xuất bền vững. Mô hình được triển khai thực hiện với quy mô 21ha, theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ. Đồng thời hỗ trợ chi phí vật tư phân hữu cơ 2 năm đầu để thực hiện chuyển đổi giúp cải tạo đất đai, cải tạo hệ sinh thái trong môi trường đất là 5 triệu đồng/ha. Theo đó, công ty thu mua với giá cao hơn bên ngoài 100 đồng/kg và hỗ trợ chi phí phân bón thuốc bảo vệ thực vật 5 triệu đồng/ha cho 3 năm đầu sản xuất hữu cơ.
Theo ngành nông nghiệp, năng suất lúa trong mô hình đạt 6,114 tấn/ha, cao hơn so với bên ngoài là 164kg/ha. Sau khi trừ chênh lệch về chi phí đầu tư, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đem lại hiệu quả cao hơn so với canh tác truyền thống trên 4,63 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, chất lượng lúa đạt yêu cầu, tỷ lệ hạt lép thấp, hạt lúa chắc, sáng hơn so với ruộng ngoài mô hình. Toàn bộ lúa, gạo từ mô hình được công ty đưa ra thị trường tiêu thụ với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và xây dựng thương hiệu lúa gạo OM 5451 của khu vực huyện Tam Nông.
Trước những kết quả bước đầu, mô hình góp phần phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, không gây tổn hại cho sức khỏe của người sản xuất, cộng đồng, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc mô hình sử dụng phân hữu cơ, giúp cải tạo đất đai, cải tạo hệ sinh thái trong môi trường đất, nước thông qua các chủng vi sinh vật có lợi, giảm các chủng vi sinh vật có hại, từ đó làm cho đất đai tơi xốp, tăng độ mùn, kích thích hệ sinh thái phát triển...
Y DU