ATIGA, cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 17/06/2015 11:59:01

Hiệp định ATIGA được ký và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 17/5/2010. Lộ trình cắt giảm thuế quan theo từng năm và đến 2018 những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại Việt Nam ASEAN sẽ xuống còn 0%, tập trung vào các nhóm hàng như: ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa...


Chế biến thủy sản, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Đồng Tháp

Trước sức ép của Hiệp định ATIGA, đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung và doanh nghiệp Đồng Tháp nói riêng có những thuận lợi và thách thức đan xen nhau, vấn đề là cần biến khó khăn, thách thức trở thành cơ hội để tận dụng.

Nhìn chung, tự do hóa thương mại trong ATIGA đã đem đến nhiều cơ hội cho các DN trong nước. Đối với DN nhập khẩu: sẽ có nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh hơn sản xuất trong nước nguồn hàng hóa nhập khẩu dồi dào, người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn... Đối với DN xuất khẩu, có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường ASEAN, với trên 600 triệu người tiêu dùng, ASEAN được xem là khu vực phát triển năng động nhất thế giới và là 1 trong 4 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Và điều đó, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội như: cơ hội liên doanh, liên kết; học hỏi, tiếp cận dần với công nghệ cao, từng bước thu hẹp khoảng cách công nghệ khá lớn giữa các nước trong khối.

Mặc dù Đồng Tháp là tỉnh nhỏ, sự đóng góp vào thành tích chung cho kim ngạch xuất khẩu cả nước còn khiêm tốn, nhưng thực tế từ khi Hiệp định có hiệu lực thì hàng hóa của tỉnh chủ yếu là nông, thủy sản (chủ yếu là mặt hàng cá tra philê) xuất sang thị trường này cũng có sự tăng trưởng, trong đó có 2 thị trường tăng trưởng tốt là Singapore và Thái Lan.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì giai đoạn 2015-2018 sẽ có nhiều thách thức tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan càng đến gần, tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các DN và hàng xuất khẩu Việt Nam. Đối với DN Đồng Tháp, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ khó cạnh tranh.

Đối với mặt hàng lúa gạo, thì Việt Nam cạnh tranh không lại Thái Lan cả về giá cả, chất lượng. Ở mặt hàng thủy sản sẽ đối mặt với những rào cản lớn về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại, cạnh tranh với một số đối thủ trong khối cả về giá cả, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, DN xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng đều hướng tới sản phẩm thô; bản thân các DN lại không chủ động được thị trường. Vì vậy, các dòng thuế quan được gỡ bỏ vừa là lực đẩy khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam vươn xa, nhưng cũng là lực hút đối với hàng hóa nước ngoài. Do đó, các DN trong nước nói chung và DN Đồng Tháp nói riêng cần có sự chuẩn bị chu đáo để ứng phó vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để tồn tại và phát triển.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Đồng Tháp những năm qua tương đối khá nhưng trị giá thực tế không cao so với các tỉnh, thành khác trong khu vực và cả nước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 năm gần đây chỉ đạt từ 500-600 triệu USD/năm. Nguyên nhân, DN của tỉnh đa phần là DN vừa và nhỏ, trình độ tổ chức và quản lý kinh doanh, năng lực tài chính còn hạn chế, do đó thường bị động trong việc thu mua, chế biến tạo nguồn hàng xuất khẩu, liên kết giữa các nhà sản xuất, DN chế biến với các nhà xuất khẩu tự phát và lỏng lẻo nên chưa hình thành được chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng hóa hiệu quả, cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn là hàng thô, sản phẩm có giá trị gia tăng thấp...

Nhìn chung, các hạn chế mà DN Đồng Tháp bị vướng trước thềm hội nhập có thể quy về 3 điểm chính:

Thứ nhất, là yếu về vốn. Mặt khác, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam so với các nước trong khối cũng cao hơn, vì vậy DN thiếu vốn nhưng tiếp cận nguồn vốn vay cũng chưa mấy dễ dàng. Thứ hai, là hạn chế về khả năng tạo giá trị gia tăng. Từ trước đến nay, các DN Đồng Tháp chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, đối với gạo thì xuất gạo thuần túy (gạo 5%, 10%, 25% tấm), hiện nay có 1 vài DN như Sa Giang, Bích Chi sản xuất các mặt hàng sau gạo tạo ra giá trị gia tăng rất cao, nhưng trị giá xuất khẩu cũng chưa nhiều. Đối với mặt hàng thủy sản thì xuất khẩu cá tra phi lê, hiện nay có một vài đơn vị nghiên cứu phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao như cá tẩm bột, collagen, dầu cá... nhưng cũng chỉ mới manh nha. Đối với mặt hàng dệt may, thường chỉ làm gia công, hầu hết DN làm theo thiết kế và đơn đặt hàng của khách hàng nước ngoài, chứ chưa sáng tạo, vì vậy tính cạnh tranh chưa cao.

Thứ ba, sự kém hiểu biết của DN về bản chất của các hiệp định để tận dụng thế mạnh và khắc phục điểm yếu. Các DN Việt Nam đang rất mơ hồ và thụ động khi nói về ATIGA cũng như các hiệp định khác.

Để ứng phó với tình hình này, đã đến lúc cần tái cấu trúc lại DN; tổ chức sắp xếp lại kể cả quy trình sản xuất, tổ chức quản lý, nhân sự, vệ sinh an toàn thực phẩm, nói chung là phải đủ mạnh cả về nhân lực, vật lực... nhằm tạo ra những sản phẩm đủ tính cạnh tranh trên thị trường cả về chất lượng mẫu mã, chất lượng tiện ích, dịch vụ hậu mãi... cạnh tranh ngay DN trong nước và cả DN nước ngoài. Riêng đối với DN chế biến nông thủy sản Đồng Tháp, không còn cách nào khác hơn là phải tôn trọng quy trình sản xuất chế biến theo quy trình khép kín và tuân thủ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quan trọng nhất là phải giữ chữ tín với khách hàng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những quyết sách quyết liệt hơn cả về đầu tư, quy hoạch, hỗ trợ tài chính, thông tin thị trường...

Trúc Tươi

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (gọi tắt ATIGA) là hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ thương mại hàng hóa trong nội khối và được xây dựng trên cơ sở tổng hợp các cam kết đã được thống nhất trong CEPT/AFTA cùng các hiệp định, nghị định thư có liên quan. Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN là một bên của thỏa thuận.

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn