Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho con cá tra
Cập nhật ngày: 29/03/2013 05:10:02
Ngày 27/3, tại Đồng Tháp, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam và ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trên địa bàn tỉnh để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng này.
|
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn nhưng sản lượng và thị trường xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp vẫn có mức tăng trưởng khá. Đến nay, sản phẩm cá tra của tỉnh đã có mặt tại 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành hàng này vẫn còn nhiều bất cập, nhất là vào ngày 14/3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 đối với mặt hàng cá tra philê đông lạnh của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có 6 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra của tỉnh bị áp thuế chống bán phá giá từ 0,19 - 3,87 USD/kg. Điều này đã gây nên tâm lý lo ngại của người sản xuất, tạo cơ hội cho một số tiêu cực trong sản xuất như mua ép giá hoặc nôn nóng muốn bán cá sớm của người dân.
Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam không phải chỉ xảy ra lần đầu. Do đó, để đứng vững và có sự phản biện phù hợp, các doanh nghiệp cần đoàn kết lại, thống nhất giá bán hợp lý, tránh tình trạng tranh mua tranh bán như hiện nay. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nhất là phải đạt các tiêu chuẩn về GlobalGAP, ASC... Trong đó, Nhà nước phải đứng ra làm trọng tài kiểm tra sản phẩm và có chế tài xử lý phù hợp. Song song đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cũng kỳ vọng vào những bước đi ổn định và bền vững của Hiệp hội Cá tra Việt Nam để giải quyết khó khăn cho ngành hàng này.
Phát biểu tại cuộc họp, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho rằng, vấn đề chất lượng sản phẩm nổi lên từ khâu quy hoạch, do đó các địa phương cần điều chỉnh sản xuất và tiêu thụ, điều tiết và ổn định cung - cầu và có thông tin kịp thời đến người sản xuất và doanh nghiệp để không phải giải quyết bài toán cung cầu như hiện nay. Đặc biệt, cần hỗ trợ cho người nuôi và doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, quản lý chất lượng từ khâu nuôi trồng đến chế biến nhằm tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp... Riêng những ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, Hiệp hội sẽ tổng hợp và đề xuất với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng cá tra - mặt hàng chiến lược không riêng của tỉnh mà còn ở đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
MN