Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Cập nhật ngày: 27/03/2013 13:17:51

Từ sự tập trung triển khai tốt kế hoạch phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng của các đơn vị liên quan và chủ rừng tập trung, trong năm 2012, toàn tỉnh đã không xảy ra cháy rừng.


Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Đồng Tháp gần 13.300ha. Trong đó, diện tích đất có rừng gần 7.100ha, đất trống trên 5.300ha và đất khác hơn 882ha, phân bố trên địa bàn 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh. Độ che phủ rừng tập trung chiếm 2,09% diện tích tự nhiên của tỉnh. Rừng được phân loại theo chức năng: rừng đăc dụng hơn 2.600ha, rừng phòng hộ trên 1.180ha và rừng sản xuất gần 3.300ha là rừng tràm thuần loài. Diện tích rừng trong tỉnh được giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý.

Rừng của tỉnh Đồng Tháp chủ yếu là rừng tràm và bạch đàn. Hai loại cây này lá chứa nhiều tinh dầu. Mùa khô, thảm thực vật dưới tán rừng chết khô, lá và cành nhánh khô tạo thành lớp vật liệu cháy dày đặc, rất dễ bắt lửa. Điều đáng lo ngại là hầu hết diện tích rừng tiếp giáp khu dân cư, người dân sống ven rừng dễ xâm nhập trái phép để khai thác nguồn tài nguyên rừng. Việc sử dụng lửa bất cẩn rất dễ xảy ra cháy rừng...

Với tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, mùa khô năm nay, nhằm tăng cường công tác PCCC rừng, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, theo Cục Kiểm lâm - Cơ quan thường trực BCĐ về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, đối với công tác tổ chức PCCC rừng, song song với việc theo dõi những diễn biến công tác PCCC rừng trên địa bàn tỉnh, các Hạt Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm đảm bảo chế độ trực PCCC rừng 24/24 trong thời gian cao điểm.

Các Ban Chỉ huy PCCC rừng cơ sở xây dựng và triển khai kế hoạch PCCC rừng năm 2013 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức triển khai thực hiện tại đơn vị của mình; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tổ chức trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô 2013. BCĐ về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đặc biệt lưu ý, khi thực hiện công tác đốt trước vật liệu cháy có điều khiển (đốt chủ động), các đơn vị quản lý rừng phải xây dựng phương án và kế hoạch cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, các chủ rừng chủ động mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCC rừng, tiến hành kiểm tra sửa chữa máy móc, thiết bị chữa cháy, triển khai xuống vùng có nguy cơ cháy cao vào đầu mùa khô năm 2013...

Ngoài việc các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục về bảo vệ rừng, PCCC rừng trong cộng đồng dân cư sống ven rừng... các chủ rừng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành rà soát các đối tượng thường xuyên xâm nhập vào rừng trái phép. Qua đó, có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục nhằm cảm hóa đối tượng không vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.

Ban Chỉ huy PCCC rừng huyện cũng chỉ đạo các chủ rừng trên địa bàn và vận động các hộ dân có rừng phát dọn vệ sinh các bờ bao, bờ kênh... Các chủ rừng chủ động đưa nước vào rừng để tăng độ ẩm và dự trữ nước phục vụ công tác PCCC rừng. Trong công tác tuần tra, kiểm soát an toàn PCCC rừng, các chủ rừng lập kế hoạch và chủ động phối hợp tốt với lực lượng Kiểm lâm, Công an, Dân quân tự vệ ở địa phương. Tổ chức kiểm tra thường xuyên tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao.

Về công tác chữa cháy rừng, ông Nguyễn Tấn Phát - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm - UVBCĐ về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công tác chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cháy lan trên diện rộng. Để thực hiện tốt công tác này, Ban Chỉ huy PCCC rừng cơ sở phải có kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị; củng cố lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách; tổ chức tuần tra, trực 24/24 tại Ban Chỉ huy PCCC rừng và các đài quan sát để phát hiện đám cháy sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời...

T.Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn