Trăn trở giữ nghề dệt choàng truyền thống

Cập nhật ngày: 25/03/2013 04:36:45

Nghề dệt khăn choàng ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự hình thành từ lâu đời. Sản phẩm của làng nghề tỏa đi khắp các tỉnh thành ở Nam bộ và tận Campuchia,... Hiện nay nghề truyền thống này gặp khó khăn nếu không giữ gìn thì tương lai gần sẽ bị mai một.


Nghề dệt choàng cần được tiếp tục đầu tư để tránh mai một

Nhộn nhịp mùa làm ăn

Đến đầu ấp Long Tả, nơi được xem là thủ phủ của nghề dệt khăn choàng xã Long Khánh A đã nghe tiếng máy dệt chạy rầm rập, rền vang. Bên cạnh máy dệt đang chạy hối hả, bà Đặng Lệ Thủy (57 tuổi) - hậu duệ của một gia đình có ba đời làm nghề dệt ở nơi đây cho biết: “Nghề dệt nơi đây có từ lâu rồi. Trước dệt bằng tay. Giờ dệt máy khỏe hơn và sản phẩm làm ra tăng hơn trước gấp ba lần”.

Gần nhà bà Thủy, 5 máy dệt của gia đình bà Văn Thị Lách cũng hoạt động liên tục để có hàng kịp cho khách. Theo bà Lách, ngoài vợ chồng bà còn có ba người con theo nghề. Thu nhập mỗi thành viên trung bình khoảng 2 triệu đồng/tháng. So với nhiều hộ gia đình khác, khoản thu nhập đó là không nhiều nhưng giúp ổn định cuộc sống. Gia đình bà sẽ quyết giữ nghề truyền thống của gia đình.

Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A hoạt động quanh năm, nhưng vào những mùa lúa và thời gian khoảng từ giáp Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 4 âm lịch là mùa làm ăn nhộn nhịp nhất của các hộ dân nơi đây.

Trước kia, nghề dệt choàng chỉ hoạt động thủ công, hơn 5 năm nay máy dệt được đưa vào thay thế dần. Sản phẩm làm ra vì vậy cũng tăng hơn trước. Ông Phạm Hồng Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh A cho biết, hiện xã có 79 hộ theo nghề dệt choàng với 141 khung máy dệt, tập trung ở ấp Long Tả và lác đác một vài hộ ở ấp Long Hữu của xã.

Các gia đình chủ yếu tự phân công lao động đứng máy dệt, nhiều nhà còn thuê mướn lao động đứng coi máy dệt. Tùy theo sản phẩm làm ra nhiều hay ít mà trung bình mỗi lao động có thể kiếm được từ 50-70 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, làng nghề còn giải quyết lao động nhàn rỗi của địa phương ở các khâu phụ như: mắc cửi, quay chỉ ra ống... với thu nhập trung bình khoảng 50-60 ngàn đồng/ngày.

Từ dệt vải Cẩm Tự đến dệt choàng

Có thể nói để có nghề dệt truyền thống như ngày nay, người làng nghề đã có nhiều cải tiến cho thích nghi, phù hợp. Những cụ cao niên theo nghề dệt choàng nơi đây bảo, họ không biết nghề dệt có từ bao giờ, chỉ nhớ lúc còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ trồng dâu nuôi tằm để dệt vải Cẩm Tự (vải Lãnh Mỹ A), đến tuổi biết làm việc là cầm khung dệt vải.

Bà Dương Thị Ửng (64 tuổi) ở ấp Long Tả cho hay: “Hồi tôi còn nhỏ, ở đây hầu như nhà nào cũng theo nghề trồng dâu nuôi tằm để dệt vải. Hồi trước, có nhà 2-3 khung dệt hoặc 5-6 khung dệt. Con gái nơi đây hầu như ai cũng biết dệt vải”. Vải Cẩm Tự, dần dần được thay thế bằng loại khăn choàng như ngày nay.

Theo người dân làng nghề thì các bà: Ba Doan (Nguyễn Thị Huệ), bà Tư Thấu (Nguyễn Thị Thấu) và bà Út Xu là những người có công đem mẫu mã và cách dệt choàng về Long Khánh A sau một thời gian học hỏi việc dệt khăn choàng từ An Giang. Đó là thời điểm những năm 60-70 của thế kỷ 20, trong một thời gian ngắn, thấy kỹ thuật dệt choàng dễ thực hiện và sản phẩm dễ tiêu thụ hơn vải Cẩm Tự nên đến học lóm và làm theo. Từ từ, người dân làng nghề chuyển hẳn sang dệt choàng.

Tiên phong trong việc thay công nghệ máy dệt là ông Nguyễn Văn Hiếu (Tư Hiếu). Những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ 20, sau khi đi học tập công nghệ dệt máy tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Tư Hiếu về mày mò và sáng chế ra khung dệt máy chạy bằng máy dầu thành công. Tuy nhiên sau một thời gian, do chi phí nhiên liệu tăng cao, sản xuất không hiệu quả nên công nghệ dệt máy bằng nhiên liệu dầu hỏa của ông Tư Hiếu tạm ngưng cho đến khi làng nghề phát triển được loại máy dệt chạy bằng điện như hiện nay.

Tâm tư của làng nghề

Dù được hình thành từ lâu nhưng hiện tại nghề dệt choàng ở Long Khánh A đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi giá nguyên liệu chỉ dệt tăng, giá công lao động tăng thì sản phẩm bán ra lại không tăng nhiều. Thêm vào đó, các hộ theo nghề còn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của Campuchia nên lợi nhuận không cao. Người dân dù rất yêu nghề nhưng không thể sống nhờ nghề truyền thống, đành ngậm ngùi bỏ nghề. So với thời hưng thịnh của những năm 1990 nghề dệt đem lại cuộc sống ổn định nhưng hiện nay người làm nghề chủ yếu chỉ lấy công làm lời. Trung bình 10 choàng bán ra chỉ thu lãi khoảng 15 ngàn đồng.

Bà Đặng Lệ Thủy tâm sự: “Hiện nay, gia đình tôi theo nghề để giữ nghề của ông bà chứ lợi nhuận không nhiều. Chủ yếu là tận dụng thời gian nhàn rỗi để lấy công làm lời”.

Ông Phạm Hồng Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh A trăn trở: “Chúng tôi rất quyết tâm giữ nghề dệt truyền thống ở địa phương. Làng nghề chỉ mới thành lập Tổ hợp tác làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ. Các hộ dân chỉ mua bán kiểu tự phát. Lãnh đạo xã đã vận động thành lập Hợp tác xã nhưng mọi người không đồng ý. Hiện sản phẩm làng nghề cũng chưa có thương hiệu nên rất khó kiếm đầu ra cho sản phẩm. Để nghề dệt không mai một, tôi cũng hy vọng tỉnh và huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho địa phương”.

Ở tỉnh Đồng Tháp có nhiều làng nghề truyền thống. Cũng như các làng nghề truyền thống ở nhiều nơi, nghề dệt choàng ở Long Khánh A đã tạo ra nhiều công ăn việc làm và giúp nhiều người dân có đời sống ổn định. Vì vậy, việc lưu giữ và phát triển làng nghề cần được quan tâm đúng mức.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn