Tiệm vàng không phép vẫn vô tư mua bán vàng miếng

Cập nhật ngày: 20/03/2013 06:02:10

Sau hơn 2 tháng thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 cấm mua bán vàng miếng ở những nơi không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tiệm vàng không phép vẫn vô tư mua bán vàng miếng và đối tượng bị ảnh hưởng, chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là người dân...


Vàng miếng SJC vẫn được bán tràn lan tại các cửa hàng (ảnh minh họa)

Động tác giả

Thời gian qua, kể từ ngày 10/1/2013 khi Nghị định cấm mua bán vàng miếng có hiệu lực, hầu như tất cả tiệm vàng không được cấp phép mua bán vàng miếng SJC ở thành phố Cao Lãnh đều không niêm yết giá vàng miếng SJC trên bảng giá, bảng điện tử chỉ hiển thị giá vàng bốn số 9, vàng nữ trang 24K và 18K. Tình hình cũng diễn ra tương tự ở các tiệm vàng khu vực huyện Tháp Mười, thị xã Hồng ngự... Tuy nhiên, việc không niêm yết bảng giá chỉ là động tác giả vì việc mua bán vàng miếng SJC gần như vẫn diễn ra như bình thường.

Tại địa bàn thành phố Cao Lãnh, chỉ có 6 tổ chức tín dụng thuộc các ngân hàng: Đông Á, Á Châu, Sài gòn Thương Tín, Phương Nam, Phương Đông và Ngân hàng Sài Gòn được cấp phép mua bán vàng miếng. Những cửa hàng, doanh nghiệp còn lại chỉ được phép mua bán nữ trang nhưng hầu như chẳng có đơn vị nào tuân thủ quy định của NHNN.

Trong vai khách hàng, phóng viên vẫn được các tiệm vàng báo giá mua - bán vàng miếng SJC kèm theo lời trấn an “mua bán bình thường”. Để tránh rơi vào tầm ngắm của cơ quan quản lý, các tiệm này chỉ trưng bày trên kệ vàng nữ trang, nhiều cửa hàng vàng trên địa bàn thành phố Cao Lãnh còn cho biết nếu mua với số lượng lớn (từ 5 lượng trở lên) nơi này sẽ giao tận nhà.

Điều đáng nói là bên cạnh việc vàng miếng được mua bán tự do tại các tiệm vàng không được cấp phép thì người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua bán này. Người dân lâu nay thường có tâm lý mua vàng nhẫn hoặc vàng miếng để dành làm của. Khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ban hành, rất nhiều người lo ngại bị lỗ lớn từ vàng miếng nên quyết định đem bán vàng và thiệt hại cũng bắt đầu.

Người dân bị bắt chẹt

Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, thấy giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch gần 5 triệu đồng/lượng, lại thêm lo ngại lệnh cấm mua bán vàng miếng đã có hiệu lực và đang có nhu cầu sử dụng, bà Nguyễn Thị M. (phường 3, thành phố Cao Lãnh) quyết định đem bán 2 lượng vàng SJC tích trữ lâu nay. Qua tìm hiểu các điểm mua bán vàng miếng được NHNN cho phép tại thành phố Cao Lãnh, bà đem 2 miếng vàng SJC vào một ngân hàng trên đường Nguyễn Huệ để bán. Sau khi lật tới lật lui 2 miếng vàng, nhân viên ngân hàng từ chối mua với lý do niêm bì cũ và có miếng đã bị rách niêm bì.

Thấy vậy, bà đem vào một cửa hàng quen ở đường Hùng Vương (thành phố Cao Lãnh) để bán, tuy nhiên chủ tiệm vàng ở đây mua nhưng chỉ với giá 44,5 triệu đồng/lượng. Bà thắc mắc vì thấy giá niêm yết trên website của cửa hàng là 45,1 triệu đồng/lượng thì được chủ tiệm vàng giải thích “đây là thời điểm cuối tuần sợ vàng đầu tuần tiếp tục rớt giá nên hạ giá đón đầu”. Hi vọng bán được giá hơn, đầu tuần bà M. tiếp tục tìm đến một ngân hàng thương mại khác để bán vàng, lưỡng lự một lúc, nhân viên ngân hàng này đồng ý mua vào nhưng tính phí 55.000 đồng/lượng và mua thấp hơn giá niêm yết 100.000 đồng/lượng.

Đó là đối với những khách hàng có vàng miếng từ 1 lượng trở lên, còn đối với những khách hàng bán vàng từ 1-2 chỉ thì gặp khó khăn càng rõ nét, bởi một số ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng không thu mua vàng miếng SJC dưới 1 lượng (từ 1, 2 hoặc 5 chỉ) buộc lòng người dân phải đem bán tại các tiệm nhỏ lẻ.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (xã Mỹ An, huyện Tháp Mười) than thở: “Khi đem bán hai chỉ vàng SJC ở tiệm KT khu vực chợ Tháp Mười, chủ tiệm vàng ở đây nói chỉ mua được với giá 4 triệu đồng/chỉ”. Chị thắc mắc thì được chủ tiệm giải thích: “Giờ không phải chỗ nào cũng được buôn bán vàng miếng, nhiều rủi ro lắm, chị chỉ mua được giá này thôi”. Chị kể thêm: “Tại tiệm vàng NA, chủ tiệm vàng nói giá niêm yết trên bảng là giá mua bán với khối lượng lớn. Còn bán lẻ một hai chỉ thì chỉ cao hơn giá vàng 3 số một chút. Nếu đồng ý thì chủ tiệm vàng trả 4,1 triệu đồng/chỉ”.

Rõ ràng, Nghị định 24 của Chính phủ là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, góp phần hạn chế, ngăn ngừa tình trạng vàng hóa nền kinh tế, làm cho thị trường vàng minh bạch hơn về giá, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái... Tuy nhiên, vấn đề các ngân hàng không mua vàng miếng dưới một lượng đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân trong việc bán vàng miếng với số lượng nhỏ. Thêm vào đó, một số chủ tiệm vàng dù biết lệnh cấm nhưng vẫn cố tình làm ngơ, tiếp tục kinh doanh nhưng lại vịn vào cớ ngân hàng không mua vàng nhỏ lẻ để bắt chẹt người dân. Nhiều người dân hiện rất băn khoăn khi đã lỡ tích trữ vàng miếng...

Nghiêm khắc xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, thực hiện Công văn số 79/NHNN-QLNH của NHNN Việt Nam về việc triển khai mạng lưới mua, bán vàng miếng, thời gian qua Chi nhánh ngân hàng tỉnh đã triển khai cụ thể thông tin danh sách các điểm, tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng miếng.

Theo Nghị định số 24 của Chính phủ, sau ngày 10/1/2013 chỉ có 6 tổ chức tín dụng được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, nếu cửa hàng trên địa bàn tỉnh vẫn kinh doanh vàng miếng là vi phạm quy định. Tới đây, Chi nhánh sẽ tiếp tục tăng cường việc phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan để nắm bắt thông tin, kiểm tra, thanh tra các trường hợp này. Đặc biệt, nếu phát hiện những đơn vị không được phép kinh doanh nhưng vẫn cố tình vi phạm thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo tinh thần Nghị định 95 của Chính phủ.

Về khó khăn của người dân trong việc một số tổ chức tín dụng không mua vàng miếng SJC dưới 1 lượng (từ 1, 2 chỉ hoặc 5 chỉ), đây là khó khăn chung tại các tỉnh trong khu vực, Chi nhánh NHNN tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị Trung ương có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn