Khi doanh nghiệp là nhà tư vấn cho nền kinh tế địa phương
Cập nhật ngày: 22/03/2013 13:25:32
Tập trung xây dựng hình ảnh một địa phương “Năng động, nhanh nhạy, thân thiện” với cộng đồng doanh nghiệp, những năm qua, Đồng Tháp luôn nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành của chính quyền địa phương.
Phóng viên Báo Đồng Tháp đã phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan về sự kiện tỉnh nhà vươn lên vị trí đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012.
Phóng viên: Thưa ông! Mặc dù không có lợi thế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nhưng tỉnh ta vẫn luôn đứng trong nhóm đầu bảng xếp hạng PCI nhiều năm liền. Đặc biệt, Đồng Tháp vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2012. Xin ông cho biết, nguyên nhân nào để tỉnh nhà đạt được thành tích ấn tượng này?
Ông Lê Minh Hoan: Đồng Tháp không có lợi thế về vị trí địa lý, nằm xa vùng trung tâm, vùng kinh tế động lực như TPHCM, Cần Thơ; xa Quốc lộ 1 - tuyến đường huyết mạch của khu vực. Nhận thức được khó khăn đó, từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã xác định phải cải thiện hình ảnh địa phương. Từ đây, tỉnh tập trung xây dựng hình ảnh một Đồng Tháp “Năng động, nhanh nhạy, thân thiện” với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng như các nhà đầu tư ngoài tỉnh.
Xuất phát từ việc nhìn nhận vai trò, vị trí, tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lãnh đạo tỉnh không xem doanh nghiệp như đối tượng quản lý của chính quyền, mà là người bạn đồng hành trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Doanh nghiệp còn là nhà tư vấn, góp ý cho cung cách lãnh đạo điều hành và định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Đây là sự chuyển biến rất lớn trong nhận thức của lãnh đạo địa phương.
Từ thay đổi nhận thức lớn này đã dẫn đến sự thay đổi nhận thức về cách quản lý chính quyền, quản lý nhà nước. Giờ đây, doanh nghiệp là một khách hàng của chính quyền, các cơ quan công quyền phải có nhiệm vụ phục vụ khách hàng. Điều này đã tạo cho doanh nghiệp có cơ hội gần gũi, chia sẻ khó khăn và hiến kế cho chính quyền trên rất nhiều phương diện trong quản lý kinh tế.
Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế khó khăn của những năm gần đây, chính quyền cố gắng thường xuyên tháo gở khó khăn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cam kết, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, chính quyền càng không được gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
PV: Kết quả đứng đầu về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2012 sẽ mang đến những cơ hội gì cho cộng đồng doanh nghiệp và tỉnh nhà?
Ông Lê Minh Hoan: Từ kết quả này sẽ tạo ra góc nhìn lạc quan, kích thích cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp nhận ra họ đang đầu tư trong môi trường kinh doanh thuận lợi vì chính quyền có sự năng động, thân thiện. Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng Đồng Tháp vẫn có nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan thăm nhà máy sản xuất collagen
thủy phân của Công ty Vĩnh Hoàn
Sự kiện này cũng góp phần tạo hiệu ứng tốt cho các nhà đầu tư ngoài tỉnh nhận thấy Đồng Tháp là môi trường thuận lợi để đầu tư. Thực tế, trong năm 2012 có nhiều nhà đầu tư chọn Đồng Tháp là điểm đến. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi doanh nghiệp không chỉ là người góp phần giải quyết công ăn việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội cho tỉnh, mà trên hết, họ còn là nhà tư vấn cho nền kinh tế địa phương cũng như sự điều hành kinh tế của lãnh đạo tỉnh.
PV: Xin ông cho biết hướng tới, Đồng Tháp cần có những giải pháp nào để tiếp tục phát huy những thành tích đạt được trong thời gian qua?
Ông Lê Minh Hoan: Những thành tích đạt được là sự khích lệ đáng mừng cho quá trình đổi mới của chính quyền địa phương đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn còn nhiều chỉ số, thành phần cần phải phấn đấu, hoàn thiện hơn nữa. Chúng ta không tự bằng lòng, bởi từ chỉ số năng lực cạnh tranh đạt được đến việc thu hút các nhà đầu tư mới, dự án mới còn rất nhiều phần việc địa phương phải tiếp tục cải thiện.
Một trong những điểm yếu phải khẩn trương khắc phục là những dịch vụ tiện ích, dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tiếp tục minh bạch các chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp. Sát cánh cùng doanh nghiệp phân tích những bài toán thị trường đang khó khăn trong thời điểm hiện nay.
Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao kỹ năng, kiến thức về quản trị doanh nghiệp để chủ động ứng phó với rủi ro trong kinh tế thị trường. Hiện Đồng Tháp đang có chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp bằng ngân sách của tỉnh. Chương trình này nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực dài hạn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm sâu sát, định kỳ hoặc đột xuất trực tiếp đến thăm doanh nghiệp để nắm bắt, tìm hiểu thông tin.
Chủ trương của lãnh đạo tỉnh là không đợi doanh nghiệp tìm đến chính quyền mà lãnh đạo tỉnh và các ngành phải trực tiếp đến với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới.
PV: Hoạt động nào gần đây nhất của tỉnh thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Lê Minh Hoan: Ngay trong tuần sau, UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp với chủ đề liên quan đến phân tích PCI. Tỉnh sẽ mời những cơ quan chuyên môn và các doanh nghiệp tham dự để cùng phân tích đâu là lợi thế, điểm mạnh của tỉnh nhà để phát huy, đâu là điểm yếu để tìm hiểu nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục.
Về phía chính quyền, đây cũng là dịp một lần nữa xem cộng đồng doanh nghiệp là nhà tư vấn, người bạn đồng hành trong sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
PV: Xin cám ơn ông!
Thanh Hiền
(Thực hiện)