Xây dựng vùng nguyên liệu phát triển diện tích đậu nành

Cập nhật ngày: 25/03/2013 05:06:34

Sản phẩm từ đậu nành rất đa dạng, có thể sử dụng trực tiếp hay chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người. Ngoài ra, các phụ phẩm của đậu nành còn được các nước trên thế giới dùng làm nguyên liệu để chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Trong những năm gần đây, số lượng đậu nành trên thế giới tiêu thụ tăng đột biến để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến cao su nhân tạo, mực in, xà phòng, chất tơ nhân tạo, dầu sinh học,... phục vụ đắc lực cho cuộc sống con người.


Sở NN&PTNT và Công ty Hùng Cá ký kết xây dựng vùng nguyên liệu

Năm 2011, diện tích đậu nành nước ta đạt khoảng 173.000ha, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Bắc và Tây nguyên. Sản xuất đậu nành ở nước ta mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Khi ngành chăn nuôi nước ta phát triển mạnh, các doanh nghiệp phải nhập đậu nành mới đáp ứng đủ cho nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi. Năm 2012 tổng kim ngạch nhập khẩu đậu nành cả nước lên 1,2 triệu tấn với giá trị 755 triệu USD, đây là mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng cao nhất, tăng 51,2% về khối lượng và tăng 57,8% về giá trị so với năm 2011.

Nhằm hạn chế nhập khẩu đậu nành, trong những năm qua nhiều địa phương trong cả nước đã có nhiều mô hình trồng đậu nành bằng cách tăng diện tích và cải thiện năng suất. ĐBSCL là vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước với diện tích hàng năm khoảng trên 3 triệu ha. Nhưng diện tích đậu nành chỉ đạt hơn 4.300ha, được trồng luân canh với cây lúa hoặc cây màu khác, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, vừa hạn chế được dòng đời sâu bệnh phát triển, vừa góp phần làm cho đất thêm màu mỡ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả lúa và đậu nành, giúp nông dân tăng thêm thu nhập, giúp cho ngành chăn nuôi có thêm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do lợi nhuận từ cây đậu nành không bằng những loại hoa màu khác như mè nên những mô hình này chưa được nhân rộng.

Bên cạnh đó, mặc dù có vùng nguyên liệu phong phú và sản lượng lớn, nhưng công nghiệp chế biến còn thiếu và yếu, chủ yếu chỉ ở mức sơ chế; việc tiêu thụ chỉ thông qua các thương lái nhỏ, chưa có doanh nghiệp đứng ra tiêu thụ nên giá cả đậu nành còn rất bấp bênh, nông dân chưa mặn mà trong việc trồng đậu nành.

Căn cứ đề án quy hoạch phát triển nông nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã được phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu tăng diện tích gieo trồng đậu nành trong cả nước lên gần gấp đôi hiện nay, khoảng 350.000ha với sản lượng khoảng 700.000 tấn.

Để có thể tăng diện tích trồng đậu nành trong cả nước, đặc biệt là ở ĐBSCL, Cục Trồng trọt đã đưa ra nhiều mô hình trồng đậu nành luân canh với cây lúa, nhất là những diện tích trồng độc canh liên tục 3 vụ lúa/năm ở tỉnh An Giang, đồng thời mở rộng diện tích trồng chuyên canh và luân canh ở 2 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long... Khi thực hiện các mô hình này sẽ góp phần nâng cao sản lượng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đậu nành trong cả nước, hạn chế nhập khẩu.

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát quy hoạch lại vùng trồng đậu nành chung cho cả nước; bố trí mùa vụ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất. Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh cần tổ chức phối hợp 4 nhà để lo đầu ra cho sản phẩm đậu nành; cần phối hợp nông dân hình thành tổ sản xuất liên kết để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thuận lợi cho việc tiêu thụ, tránh bị ép giá.

Tuy nhiên để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững, có thị trường tiêu thụ ổn định, các tỉnh cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu rộng lớn cũng như hình thành ngành công nghiệp chế biến và nâng cao chất lượng nông sản, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp. Để thực hiện sự liên kết này, vừa qua Sở NN&PTNT Đồng Tháp cùng với Công ty Hùng Cá ký kết xây dựng vùng nguyên liệu 10.000ha đậu nành trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Công ty cũng đang có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dầu đậu nành giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm.

TP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn