Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân:
Có liên kết sản xuất, nông dân mới nâng cao thu nhập

Cập nhật ngày: 13/08/2012 20:39:25

Nói chuyện với nhiều nông dân xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh tại hội nghị phổ biến kinh nghiệm mô hình từ Thái Lan (ngày 8/8), Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân cho biết:

Ở nước ta nhiều người làm nông nghiệp, qua nhiều thế hệ, nhưng thu nhập quá thấp, không thể giàu lên được, trong khi đó nông dân ở một số nước hiện nay thu nhập quá cao, những nước có nền nông nghiệp hiện đại, thu nhập mỗi nông dân hàng chục ngàn USD/năm. Là lãnh đạo tỉnh, tôi luôn trăn trở với câu hỏi: Làm nông nghiệp có giàu được không? Tại sao chúng ta đưa ra nghị quyết lần thứ IX Đảng bộ tỉnh là Đồng Tháp tiếp tục phát triển nông nghiệp và xem nông nghiệp là nền tảng kinh tế - xã hội của tỉnh, trong khi đó một số tỉnh trong vùng tập trung phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ? Điều này dựa vào tình hình thực tế, chứ không phải địa phương nào muốn phát triển cái gì cũng được, hơn nữa trong những năm qua khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng cao, những nước đặt nền móng phát triển kinh tế là công nghiệp hiện đại thì bây giờ các tập đoàn kinh tế, các công ty xuyên quốc gia đã quay trở lại tìm hướng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.


Mô hình sản xuất ớt cay an toàn

Nhiều doanh nghiệp lớn chuyên làm bất động sản, thép,... chưa quen với nông nghiệp, bây giờ đến Đồng Tháp đầu tư nuôi cá tra, xây dựng vùng nguyên liệu lúa, chế biến xuất khẩu. Xu hướng thế giới đánh giá vai trò của nông nghiệp ngày càng cao, vì dân số ngày càng tăng, nhu cầu lương thực ngày càng nhiều, trong khi đó đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp lại. Và, khi người ta thu nhập thấp thì chỉ có nhu cầu ăn cho no, không chú ý chất lượng, đến khi thu nhập cao thì nhu cầu phải ăn ngon, đảm bảo an toàn. Điều này đặt ra là nông dân sản xuất phải tuân thủ theo qui trình của quốc tế, phải ghi chép đầy đủ thông tin trong quá trình sản xuất, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, nông sản phải an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu hết các nhà nhập khẩu nông sản đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt như vậy.

Từ trước tới nay, nhiều nông dân chủ yếu canh tác theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng mạnh khoa học kỹ thuật nên thấy qui trình sản xuất, tiêu thụ của nông dân Thái Lan và một số nước khác thì chúng ta hết sức ngỡ ngàng. Nông dân chúng ta sản xuất xoài mà không biết thông tin nước nào xoài ít, xoài nhiều, nhà nhập khẩu cần gì,...; sản xuất riêng lẻ, mỗi hộ làm một kiểu, cho ra trái khác thời điểm thì làm sao có số lượng nhiều, chất lượng như nhau để bán cho nhà nhập khẩu, nên phải bán chợ, bán trôi nổi giá thấp. Nông dân ở một số nước hiện nay sản xuất nông nghiệp như là công nghiệp.

Chẳng hạn như nông dân phải ký hợp đồng với doanh nghiệp chế biến khi thu hoạch giá 1kg cá tra là bao nhiêu, trên cơ sở tính giá thành nuôi 1kg cá, người nuôi biết lời bao nhiêu, chứ không như nhiều nông dân mình nuôi cá lớn mới tìm người bán, nên hay bị ép giá khi dội chợ, rủi ro cao. Như vậy, muốn làm có hiệu quả cao, nông dân phải liên kết lại mới giải quyết được vấn đề. Một người đem ra chợ bán nông sản một ít sẽ tốn chi phí hơn tập hợp lại thành một xe tải, một người mua một gói thuốc trừ sâu giá sẽ cao hơn mua với số lượng lớn thông qua đại diện tổ hợp tác hay hợp tác xã.

Nông dân Thái Lan làm kinh tế tập thể rất có hiệu quả, nên tôi mong muốn nông dân chúng ta có những suy nghĩ vận dụng những mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa, xoài, nhãn, rau, nuôi heo,... của họ. Trước tiên đề nghị lãnh đạo địa phương, các ngành liên quan thay đổi tư duy, có cách nhìn mới về phát triển nông nghiệp như các nước áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến để nông dân mau giàu lên. Nhiều nông dân Thái Lan cũng khẳng định, nếu họ không liên kết thành tập thể thì làm không giàu lên được, vì làm ăn tập thể có nhiều cái lợi và khắc phục những nhược điểm của làm ăn cá thể. Theo đó, người nông dân quyết định mọi vấn đề trong sản xuất, không trông chờ quá nhiều vào nhà nước, nhà nước chỉ khuyến cáo trồng cây gì, nuôi con gì và cung cấp thông tin cho nông dân và mô hình nào cũng phải gắn chặt ngay từ đầu với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Đối với tỉnh, sẽ triển khai xây dựng những mô hình tiêu biểu học tập được từ nước ngoài như chuyến đi Thái Lan vừa qua của đoàn cán bộ tỉnh do tôi làm trưởng đoàn để nông dân trong tỉnh đến tìm hiểu, học tập. Từ những mô hình ban đầu này, nhà nước sẽ có những cơ chế, chính sách nhân rộng ra cho nhiều nông dân tham gia, tạo thu nhập cao hơn và sản phẩm của chúng ta đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh sớm thành lập tổ nghiên cứu về nông nghiệp với nhiều thành phần như nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân... và tôi cũng tự nguyện là thành viên của tổ này. Trung ương cũng chọn một số đồng chí giúp tỉnh ta chuyên nghiên cứu về nông nghiệp, tổ này làm cơ sở hình thành dự án tái cấu trúc nền nông nghiệp của tỉnh, cũng như của đề án quốc gia. Đây là một điều kiện thuận lợi và lãnh đạo tỉnh cũng quyết tâm tạo sự chuyển biến nhanh trong nông nghiệp...

TN (Lược ghi)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn