Tạo bước chuyển mới trong ngành cơ khí

Cập nhật ngày: 10/08/2012 07:26:05

Những năm qua, ngành cơ khí đã có những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là cơ khí phục vụ nông nghiệp, cơ khí xây dựng. Một số sản phẩm cơ khí của tỉnh có mặt trên thị trường nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như máy gặt đập liên hợp, dây chuyền chế biến gạo...


Trường Cao đẳng nghề trang bị máy cơ khí mới giúp học viên
tiếp xúc công nghệ hiện đại

Tuy nhiên, hiện nay ngành cơ khí của tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh nên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu là thủ công dẫn đến năng suất thấp, chất lượng chưa cạnh tranh. Giai đoạn 2001-2010, ngành cơ khí tăng trưởng chậm hơn rất nhiều so với tốc độ tăng bình quân chung của ngành công nghiệp chế biến. Trong khi đó, trình độ công nghệ ngành cơ khí phần lớn còn lạc hậu, chỉ có 17,22% doanh nghiệp có trình độ tiên tiến và 55,28% doanh nghiệp có trình độ trung bình, 27,5% doanh nghiệp còn lạc hậu...

Tuy nhiên, thị trường ngành cơ khí đang có nhiều triển vọng, đặc biệt là sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp còn rất lớn. Hiện nay, máy gặt đập liên hợp được cung cấp trên thị trường chưa đáp ứng nhu cầu thu hoạch. Đến năm 2011, toàn vùng ĐBSCL có 7.037 máy gặt đập liên hợp, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng thu hoạch bằng cơ giới 40% diện tích lúa hè thu. Theo tính toán của các chuyên gia, ĐBSCL cần khoảng 10.000 máy gặt đập liên hợp để thu hoạch khoảng 1,5 triệu héc- ta mỗi vụ lúa, tỷ lệ này cũng chỉ mới đáp ứng về cơ giới khoảng 50% công suất.

Riêng nhóm sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến thức ăn thủy sản, xây dựng là đối tượng cần khai thác và nhu cầu là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp dù quy mô còn nhỏ song có nhiều yếu tố để phát triển. Năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện đáng kể tạo nên lợi thế trong thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng khá tốt cho phát triển công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng.

Vì thế, việc phát triển ngành cơ khí đang là yếu tố cần thiết góp phần vào việc phát triển kinh tế, phục vụ sản xuất. Theo kế hoạch phát triển ngành cơ khí của tỉnh giai đoạn 2021-2030, hình thành ngành cơ khí phát triển theo chiều sâu, thành lập các nhà máy cơ khí chế tạo, lắp ráp có quy mô lớn, hiện đại đáp ứng nhu cầu máy móc thiết bị, phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, lắp ráp và đóng mới các phương tiện giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh và vùng ĐBSCL.


Nhu cầu sử dụng máy gặt đập liên hợp còn rất lớn

Bên cạnh đó, sự phát triển gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và vùng ĐBSCL dựa trên cơ sở phân công lao động và khai thác những lợi thế của địa phương; hình thành mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học,... Tích cực thu hút đầu tư trong lĩnh vực cơ khí, tập trung đầu tư củng cố và nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp, cơ sở cơ khí hiện có trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể giai đoạn 2012-2020, tập trung củng cố phát triển các doanh nghiệp cơ khí hiện có trên địa bàn, hình thành một số trung tâm bảo trì, sửa chữa các thiết bị, máy móc chuyên ngành (máy nông nghiệp, máy công nghiệp chế biến, ô tô, xe máy,...). Song song việc củng cố, phát triển các sản phẩm cơ khí chủ lực đang có thế mạnh (máy gặt đập liên hợp, máy bơm nước, máy sấy,...), thu hút đầu tư các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí hỗ trợ. Riêng giai đoạn 2021-2030, tập trung phát triển ngành cơ khí chế tạo, thiết bị, phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông, vận tải, lắp ráp,... Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra cả nước và xuất khẩu sang các nước lân cận.

Trong giai đoạn này, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50 doanh nghiệp và khoảng 150 doanh nghiệp lớn vào năm 2030. Nâng dần tỷ trọng giá trị sản xuất ngành cơ khí, đến năm 2020 giá trị sản xuất ngành cơ khí chiếm tỷ trọng 1,2% – 1,5% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến. Đến năm 2030 chiếm tỷ trọng giá trị sản xuất ngành cơ khí khoảng 1,75% - 2,5%.

Tổng vốn đầu tư của các dự án sản phẩm cơ khí trên địa bàn tỉnh là 2.205,7 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ yếu là huy động từ doanh nghiệp. Vốn ngân sách sẽ hỗ trợ đầu tư cho các dự án cụ thể theo chính sách hiện hành, hỗ trợ phát triển hạ tầng phục vụ cho các khu vực sản xuất tập trung và đối với các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư.

Tuấn Tường

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn