Biến đổi khí hậu và câu chuyện tương quan về thị trường tiêu thụ

Cập nhật ngày: 12/12/2020 06:01:24

ĐTO - Biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ mới nghe qua có vẻ như hai khái niệm này không liên quan nhau, song trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì hai phạm trù này lại có mối quan hệ vô cùng khắng khít. Trong buổi chia sẻ với UBND tỉnh Đồng Tháp và cộng đồng doanh nghiệp địa phương cuối tuần vừa qua, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, để có thể tận dụng được những ưu thế đối với các FTA mà Việt Nam đã ký kết thì ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa, người nông dân và doanh nghiệp cần quan tâm đến xu hướng sản xuất bền vững và gắn với bảo vệ môi trường. Đây là một trong những tiêu chí tiên quyết đang được một số quốc gia phát triển áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.


Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường là yêu cầu tiên quyết để xuất khẩu bền vững

Viễn cảnh “cấm cửa” đối với hàng hóa sản xuất tác động đến môi trường

Hoạt động sản xuất công nghiệp, cuộc sống hiện đại có nhiều tác động tiêu cực đến bầu khí quyển. Những năm gần đây, bầu khí quyển toàn cầu bắt đầu nóng lên, băng ở hai cực đang tan nhanh khiến nước biển đang dâng lên ngày một trầm trọng. Viễn cảnh khí hậu trái đất đang diễn biến ngày một cực đoan dấy lên nhiều lo ngại. Thiên tai do biến đổi khí hậu đang là nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia trên thế giới, hiện nay một số nước tiên tiến như liên minh Châu Âu đang tiến hành “cấm cửa” các nhóm hàng hóa sản xuất gây tác hại tiêu cực đến môi trường.

Tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa trái cây, thủy sản và vựa lúa lớn nhất cả nước - thời gian qua phải đối mặt với nhiều diễn biến cực đoạn từ biến đổi khí hậu. Xâm nhập mặn đe dọa đến nhiều vùng sản xuất lúa và cây ăn trái lớn của khu vực này. Tuy nhiên, bên cạnh áp lực về biến đổi khí hậu, vấn đề về thị trường tiêu thụ hiện nay cũng cần được quan tâm.

Chia sẻ về những thay đổi trong chính sách nhập khẩu ở một số khu vực và quốc gia mà Việt Nam đã ký kết các FTA hiện nay, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, phần lớn sản lượng nông nghiệp của khu vực ĐBSCL hiện nay đang được xuất khẩu là chủ yếu. Tuy nhiên, với những rào cản mới từ các thị trường nhập khẩu lớn liên quan đến các tiêu chí về môi trường thì cần phải nhìn nhận lại và nên có những điều tiết chặt chẽ hơn về quy trình sản xuất.

Theo Thứ trưởng, nếu không nhìn lại và có những điều tiết phù hợp trong quy trình sản xuất thì sẽ đến lúc, một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thế mạnh của ĐBSCL bị các nước phát triển “quay lưng”. Và, những lí do được đưa ra là việc sản xuất nông nghiệp của chúng ta chưa tuân thủ nghiêm các vấn đề về bảo vệ môi trường như an ninh nguồn nước, quản lí tài nguyên đất đai hay khí quyển... Hiện nay, người dân các nước đang quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu cho nên họ sẽ không chấp nhận một quốc gia nào phá rừng, để xảy ra cháy rừng, hoặc khai thác tài nguyên biển cạn kiệt. Giải pháp của các quốc gia nhập khẩu này là trừng phạt các quốc gia làm ô nhiễm đến môi trường, “cấm cửa” nhập khẩu đối với những mặt hàng được sản xuất không quan tâm đến bảo vệ môi trường.

Một trong những trường hợp cụ thể được quan tâm gần đây là vụ Liên minh Châu Âu hạn chế việc nhập khẩu dầu cọ từ Indonesia và Malaysia. Lí do Liên minh Châu Âu đưa ra là hai quốc gia láng giềng của Việt Nam đã phá rừng để trồng cọ xuất khẩu. Điều này đi ngược lại với những tiêu chí về bảo vệ môi trường hiện nay. Mặc dù phía hai nước trên cũng có những kiến nghị về việc Liên minh Châu Âu không nên có những phân biệt vô lý về nguồn gốc dầu cọ được sản xuất từ đất nước của họ. Song cho đến nay, vấn đề căng thẳng về dầu cọ vẫn còn tiếp diễn và rất nhiều người dân nằm trong chuỗi sản xuất dầu cọ của Indonesia và Malaysia bị liên lụy, ảnh hưởng lớn từ vấn đề này.

Rõ ràng, câu chuyện về thị trường và biến đổi khí hậu đang được quan tâm rất nhiều trong bối cảnh hiện nay. Để có thể chủ động đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm thì các vấn đề liên quan đến chuỗi sản xuất hàng hóa như bảo vệ môi trường cần phải được quan tâm nhiều trong thời gian tới.


Đồng Tháp đang triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu

Đồng Tháp nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp “thuận thiên”

Trong vòng 5 năm trở lại đây, ĐBSCL chứng kiến nhiều đợt hạn mặn khốc liệt gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều diện tích vườn cây ăn trái lâu năm, khu vực chuyên canh lúa ở tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang bỗng chết rụi sau nhiều đợt nước biển xâm thực mạnh vào đất liền. Trước áp lực nước ngọt ở khu vực ngày càng khan hiếm vào mùa khô, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp với vai trò của một tỉnh vùng thượng nguồn sông Mê Kông đã có những điều tiết trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình về sản xuất nông nghiệp tiết kiệm nước, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí “thuận thiên” được Đồng Tháp triển khai. Bước đầu cho thấy, các mô hình góp phần giảm thiểu được lượng nước tưới lớn, giảm phát thải khí nhà kính và giải quyết được bài toán về kinh kế trong hoàn cảnh thiên nhiên không thuận lợi.

Áp dụng kỹ thuật ngập khô xen kẽ, sử dụng hệ thống máng tưới bê tông nội đồng, sử dụng phân bón thông minh, ứng dụng IoT trong quản lý hệ thống bơm tưới... là một trong những hiệu quả giúp nông dân trồng lúa ở Đồng Tháp giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được nguồn nước ngọt quý giá. Là hợp tác xã (HTX) đầu tiên của tỉnh được lựa chọn thực hiện thí điểm xây dựng cánh đồng canh tác lúa lý tưởng tại Đồng Tháp, HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười là nơi cảm nhận rõ nét nhất về những hiệu quả trong sản xuất khi tiết kiệm được nước tưới cũng như nguồn điện năng dùng để vận hành các trạm bơm.

Về những hiệu quả mà kỹ thuật mới mang lại, anh Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX DVNN Mỹ Đông 2 chia sẻ: “Để canh tác lúa, thường nông dân phải sử dụng một lượng nước tưới rất nhiều. Tuy nhiên, không phải trong suốt quá trình sinh trưởng cây lúa đều cần ngập trong nước, có những thời điểm ruộng khô cây lúa vẫn phát triển tốt. Vì vậy, với việc áp dụng kỹ thuật ngập khô xen kẽ và áp dụng đưa nước tưới đi bằng đường máng bê tông sẽ là giải pháp hoàn hảo giúp tránh thất thoát nước trong quá trình bơm tưới”.

So với phương pháp bơm tràn đồng như trước đây, phương pháp canh tác mới giúp HTX DVNN Mỹ Đông 2 giảm được trên 30% lượng bơm tưới, từ đó chi phí điện năng cũng giảm từ 20 – 30% so với trước đây. Con số này không những có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là thông điệp mà HTX muốn gửi đến cộng đồng là hiện nay nông dân HTX đang thay đổi và sản xuất có trách nhiệm hơn với môi trường và cộng đồng.

Ngoài cây lúa, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cũng tăng cường xây dựng nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước cho rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái. Những mô hình công nghệ mới bước đầu cho thấy không những đáp ứng tốt nhu cầu, nguyện vọng thực tế của nông dân trong sản xuất mà còn góp phần giúp nông dân thay đổi nhận thức về việc sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm và bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đang được nhân rộng ở nhiều huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Hiện diện tích được tưới tiết kiệm nước năm 2019 là 21.506ha, năm 2020 là 24.299ha và diện tích đầu tư hệ thống tưới này không ngừng được mở rộng.

Ngoài ra, để nông dân hiểu hơn về sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cũng triển khai đầu tư các mô hình điểm kiểu mẫu cho huyện như nhà màng, hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm nước; kết hợp lồng ghép các chương trình tập huấn hàng năm để người dân hiểu và mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh các mô hình được Nhà nước hỗ trợ, thời gian qua tại Đồng Tháp cũng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tự phát trong dân như mô hình sản xuất kết hợp lúa – cá; mô hình sen – cá. Bước đầu cho thấy, các mô hình không những cho hiệu quả kinh tế khá mà còn góp phần giúp nông dân giải quyết được bài toán về sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước ngọt.

Trong buổi chia sẻ về chủ đề “Tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL” với các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt tỉnh Đồng Tháp vừa qua, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, biến đổi khí hậu là chuyện tất nhiên và chúng ta cần phải đối mặt với nó. Song thay vì xung đột thì chúng ta cần thích nghi và “thuận thiên” hơn.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, thời gian qua, mặc dù biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng cực đoan, song người dân ở một số tỉnh, thành đã có những mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả. Cụ thể như: mô hình lúa – tôm ở các tỉnh ven biển; mô hình mở đê bao xả lũ để nhữ cá tự nhiên ở Đồng Tháp (thay vì đóng đê bao sản xuất lúa vụ 3), mô hình trồng sen – cá; sen – kết hợp du lịch ở Đồng Tháp... Để sống chan hòa với tự nhiên, người dân ở ĐBSCL đã có những cách làm rất hay. Điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần thay đổi tư duy về biến đổi khí hậu, thay đổi tư duy để sống thích ứng với tự nhiên hơn.

Hội nhập kinh tế sâu rộng mang đến nhiều cơ hội để hàng hóa của Việt Nam được vươn xa ở nhiều thị trường trên thế giới. Song trước áp lực biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt trên toàn cầu thì việc sản xuất hàng hóa phải tuân thủ tiêu chí bảo vệ môi trường là một trong những quy định ràng buộc hàng đầu về nhập khẩu. Là một quốc gia có thế mạnh trong xuất khẩu nông – lâm – thủy sản, nền nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những thay đổi cực đoan của khí hậu, mặt khác phải đối mặt với những rào cản quy định mới của các quốc gia nhập khẩu. Vì vậy, để sản phẩm nông nghiệp có thể vươn xa thì không có giải pháp nào hiệu quả hơn là sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, “thuận thiên” và cùng tồn tại chan hòa với tự nhiên, không tiếp tục khai thác tự nhiên một cách tận diệt như trước đây.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn