Dự án Nông trại nghỉ dưỡng Thuận Thiên Việt Mekong Farmstay đạt á quân Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL
Cập nhật ngày: 11/12/2020 04:31:14
Ngày 10/12/2020, tại TP.Cần Thơ diễn ra Cuộc thi Khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2020. Cuộc thi do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL (Mekong Startup Network) tổ chức với 10 dự án tham gia tranh tài.
Ban tổ chức trao giải cho các chủ dự án
Kết quả chung cuộc, dự án “Ba khía Đầm Dơi – Sản phẩm xây dựng thương hiệu quê hương” của tỉnh Cà Mau giành giải nhất (trị giá 30 triệu đồng); dự án Nông trại nghỉ dưỡng Thuận Thiên Việt Mekong Farmstay của tỉnh Đồng Tháp đạt giải nhì (trị giá 25 triệu đồng) và giải dự án được yêu thích nhất năm 2020; dự án Mật thốt nốt Palmania của tỉnh An Giang đạt giải ba (trị giá 20 triệu đồng). Hai giải khuyến khích được trao cho dự án “TROPCA – Từ trái cây nhiệt đới Việt Nam” của tỉnh Tiền Giang và dự án Gora – Máy thu mua chai nhựa đặt tại nơi công cộng của tỉnh Long An.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi năm nay nhận được số lượng bài dự thi khá lớn, chất lượng bài dự thi hơn hẳn các năm trước. Nhiều dự án mang tính khả thi cao, tận dụng nguồn tài nguyên bản địa để phát triển sản phẩm khởi nghiệp… Ngoài ra, nhằm tăng cường sự liên kết giữa các địa phương, mở thêm nhiều cơ hội và sự chọn lựa cho thí sinh, VCCI Cần Thơ đã phối hợp với 2 tỉnh Cà Mau và Đồng Tháp tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp tại hai tỉnh này. Theo đó, các dự án thắng giải ở hai cuộc thi tại Cà Mau và Đồng Tháp được tuyển thẳng vào Vòng Chung kết của Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL 2020.
Cuộc thi năm nay nhận được tổng cộng 476 hồ sơ của hơn 1.100 thí sinh từ 12/13 tỉnh/thành khu vực ĐBSCL (tăng 44% về số lượng so với năm 2019). Các lĩnh vực tham gia cuộc thi gồm: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh – thương mại – dịch vụ, môi trường, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế - chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Trong đó, nổi bật là nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất là 41% với 196 hồ sơ; giải pháp kinh doanh, Thương mại – dịch vụ có 116 hồ sơ (chiếm 24%) và chế biến thực phẩm có 102 hồ sơ (chiếm 21%), các lĩnh vực còn lại chiếm 14%. Tính theo địa bàn, số lượng hồ sơ chủ yếu đến từ hai tỉnh Đồng Tháp và Long An với số lượng lần lượt là 136 (chiếm 29%) và 125 hồ sơ (chiếm 26%), các tỉnh, thành còn lại đều có hồ sơ tham gia dự thi với tỷ lệ là 45%.
Nguyệt Đỗ