Bức tranh nông nghiệp Đồng Tháp có nhiều điểm sáng
Cập nhật ngày: 08/11/2016 06:31:04
ĐTO - Năm 2016, nông nghiệp tỉnh có bước chuyển mình mạnh mẽ, đánh dấu bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng đối với sự phát triển chung của tỉnh.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá, vịt của thanh niên Võ Văn Tiếng được đánh giá là mô hình khởi nghiệp hiệu quả
Tăng trưởng đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Bức tranh nông nghiệp năm 2016 của Đồng Tháp có khá nhiều điểm sáng, khác biệt nhiều so với năm 2015, sản xuất nông nghiệp từng bước đi vào chiều sâu và phát triển ổn định. Tăng trưởng ngành đạt 3,33%, (giá trị tăng thêm của nông - lâm - thủy sản đạt hơn 15.870 tỷ đồng); đóng góp 1,25% vào tổng mức tăng trưởng kinh tế 6,38% của tỉnh và dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đạt được kết quả này ngoài sự lãnh đạo của tỉnh, sự tham gia của ngành, địa phương còn có sự phối hợp rất tốt của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân toàn tỉnh.
Năm qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp của nông dân, HTX hướng đến sản xuất an toàn, tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp như các mô hình: sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá, vịt của thanh niên Võ Văn Tiếng (xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự), diện tích 1,2ha; nuôi vịt rọ của Tổ hợp tác chăn nuôi vịt tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười; giảm giá thành sản xuất hơn 600 đồng/kg lúa của nông dân huyện Tháp Mười... Điều này tạo bước chuyển mới trong tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân theo hướng an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, hoạt động kết nối cung cầu giữa nông dân và doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản từng bước được chia sẻ, tạo sự đồng thuận giữa đôi bên. Năm 2016, có hơn 83.700ha cánh đồng liên kết, hiện doanh nghiệp đã tiêu thụ 21.268ha, sản lượng đạt 141.629 tấn. Các phiên chợ, điểm bán trái cây sạch được tổ chức góp phần tiêu thụ số lượng lớn nông sản, hướng nông dân sản xuất an toàn hơn.
Cần phát huy, nuôi dưỡng các mô hình hiện có
Theo nhận định của các cơ quan quản lý, bức tranh nông nghiệp địa phương dù có khả quan, nhưng để tạo bước tiến mới đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các địa phương, nhất là bản thân HTX, nông dân phải tự tổ chức lại sản xuất, sắp xếp mô hình sản xuất của mình theo hướng giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Bởi bước vào hội nhập, việc tự do hóa thương mại đòi hỏi mặt hàng nông sản phải đạt yêu cầu rất cao mới có thể đáp ứng nhu cầu thị trường, việc sản xuất manh mún nhỏ lẻ sẽ không tạo được sự đồng nhất trong chất lượng sản phẩm cũng như khó hạ giá thành.
Ông Nguyễn Văn Công cho rằng, đối với công tác bảo vệ thực vật cũng như việc chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật cho nông dân, ngành vẫn tiếp tục có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, phía các địa phương, HTX cũng phải xây dựng chương trình hành động riêng, trong đó tự xây dựng các mô hình điểm “siêu mô hình” giải quyết các vấn đề như củng cố HTX, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hạ giá thành, kiểm soát dịch bệnh... Những mô hình này sẽ mang tính chất dẫn dắt, tạo sự đột phá trong nông nghiệp cũng như chiều sâu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nhiệp. Riêng vấn đề đầu ra sản phẩm, hiện nay số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất ít, nên việc liên kết đôi khi gặp trắc trở. Do đó phải có hướng đi riêng tạo ra sản phẩm an toàn thì không phải lo bài toán đầu ra...
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho rằng, thời gian qua việc phát triển ngày càng nhiều những mô hình kinh tế mới, hiệu quả cho thấy được sự đồng thuận dần trong nhận thức của các địa phương, HTX, nông dân trong việc cùng tỉnh tái cơ cấu lại ngành hàng với mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập cho nông dân. Vấn đề hiện nay là đối với những địa phương đã có những mô hình điểm cần nuôi dưỡng phát huy những mô hình hiện có trên địa bàn. Khuyến khích hơn nữa tinh thần khởi nghiệp trong nhân dân, tạo thêm bước đột phá trong nông nghiệp tỉnh nhà. Đặc biệt, trong quá trình này ngành nông nghiệp cũng như địa phương phải sát cánh hơn với nông dân.
Thảo Vy