Nông dân Sa Đéc
Bước đầu tiếp cận công nghệ cao vào sản xuất hoa kiểng
Cập nhật ngày: 14/01/2015 14:18:41
Lâu nay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vẫn được xem là chuyện của những “ông chủ lớn” vì nó ngoài tầm với của nông dân sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nông dân đang chủ động đưa ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; các mô hình phát triển hoa kiểng công nghệ cao đang dần được mở rộng và tạo được sức lan tỏa lớn ở TP.Sa Đéc.
Mô hình hoa cúc đồng tiền được trồng bằng giống cấy mô
Hoa kiểng là một trong 5 ngành hàng của tỉnh Đồng Tháp trong kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Theo đó, trong thời gian qua, các dự án và chương trình hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước mở ra nhiều cơ hội để nông dân “làng hoa” hội nhập sâu hơn vào nền nông nghiệp thế giới. Từ sản xuất theo kỹ thuật truyền thống, nông dân Sa Đéc đang dần đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, giúp nâng tầm chất lượng hoa kiểng Sa Đéc.
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, hiện toàn TP.Sa Đéc có trên 400ha sản xuất hoa kiểng, phần lớn diện tích tập trung vào các nhóm: kiểng lá, kiểng hoa, cây công trình, bonsai. Từ nhu cầu và thị hiếu thị trường, những năm qua, nhiều nhà vườn ở Sa Đéc chủ động tìm kiếm các giống hoa kiểng mới, lạ mà trước đây chỉ xuất hiện ở những vùng có khí hậu ôn đới như: cúc đồng tiền, hoa ly, hoa chuông... về sản xuất và bước đầu thành công ở TP.Sa Đéc.
Hoa cúc mâm xôi được xem là một trong những thế mạnh riêng của TP.Sa Đéc, toàn thành phố có trên 22ha. Điểm đáng ghi nhận là 100% diện tích hoa cúc mâm xôi chuẩn bị cho Tết Ất Mùi năm nay đều được sử dụng nguồn giống nuôi cấy mô. Đây là kết quả đáng mừng trong việc thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân. Bên cạnh đó, trong năm qua từ nguồn kinh phí khuyến nông của tỉnh và địa phương, Trung tâm Khuyến nông Khuyến Ngư tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Ứng dụng Công nghệ cao chuyển giao 10 ngàn cây cúc mâm xôi, 6 ngàn cây cúc đồng tiền, 2 ngàn cây hoa chuông cho 34 hộ nông dân ở TP.Sa Đéc. Đây là những giống hoa được thị trường ưa chuộng trong thời gian gần đây. Phần lớn nông dân tham gia mô hình sản xuất các giống hoa triển vọng năm nay đều hài lòng, đánh giá cao chất lượng nguồn giống do Trung tâm Ứng dụng Công nghệ cao chuyển giao. Từ kết quả này, nhiều nông dân bày tỏ mong muốn đơn vị sản xuất giống sẽ tiếp tục nghiên cứu và cung cấp nhiều giống hoa kiểng mới với số lượng lớn hơn, nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu sản xuất của bà con và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Là một trong những nông dân ở TP.Sa Đéc đi tiên phong trong việc đưa giống cấy mô vào sản xuất, chú Nguyễn Hoàng Võ Mộng Kha ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Qui Đông chia sẻ: “Tôi rất hài lòng khi sử dụng giống cấy mô. Về kỹ thuật, khi trồng hoa cấy mô không khác nhiều so với lối canh tác truyền thống, nhưng hoa cấy mô có nhiều ưu điểm vượt trội hơn: chất lượng giống cấy mô cao hơn, kích cỡ cây giống đồng đều, sức đề kháng của cây giống cũng cao hơn, sâu bệnh giảm đáng kể, nông dân có thể chủ động được lịch thời vụ... Đặc biệt các loại hoa cấy mô rất được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, tôi đang đầu tư cải tạo dần chất lượng cây giống cho khu vườn nhà mình, hiện tại, khoảng 2/3 diện tích vườn của tôi được trồng bằng giống nuôi cấy mô”.
Mô hình nhà màng của nông dân TP.Sa Đéc
Song song với sử dụng giống hoa kiểng từ nguồn giống nuôi cấy mô, một số nhà vườn ở Sa Đéc đã mạnh dạn đầu tư sản xuất hoa kiểng công nghệ cao với quy mô lớn. Là chủ nhân của mô hình nhà màng đầu tiên ở TP.Sa Đéc, anh Nguyễn Thanh Sang ở ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông cho biết: “Hiện nay, tôi đang đưa vào hệ thống nhà màng một số giống hoa như: cúc đồng tiền, hoa chuông, dừa cạn, xương rồng... để khảo sát sự thích ứng của từng loại giống trong điều kiện nhà màng. Sau khi tìm được những loại giống phù hợp, tôi sẽ đầu tư xây dựng thêm hệ thống nhà màng để tiếp tục phát triển và nhân rộng. Mặc dù, mới áp dụng thí điểm mô hình này nhưng tôi nhận thấy nhiều giống hoa kiểng phát triển rất tốt trong điều kiện nhà màng. So với trồng ngoài trời thì trồng trong nhà màng tiết kiệm được nhiều công lao động cũng như chi phí sản xuất, vì cây không bị sâu bệnh và thời tiết làm ảnh hưởng”.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng giống chất lượng là một trong những yêu cầu bức thiết của nông dân Sa Đéc. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn nông dân trồng hoa ở Sa Đéc đều nhận định: Nếu áp dụng kỹ thuật lai tạo truyền thống thì sau thời gian dài canh tác, hoa kiểng sẽ bị thoái hóa dần. Từ đó, sức đề kháng và sinh trưởng của cây sẽ bị mất đi những đặc tính trội từ cây bố mẹ, sâu bệnh tấn công nhiều hơn, làm giảm năng suất...
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ cao, TP.Sa Đéc cho biết: Hiện tại, Trung tâm đã nghiên cứu và nhân giống in vitro thành công trên một số loại cây như: hoa lan Dendro, Mokara; lan ý mỹ, cúc đồng tiền, hoa chuông, sống đời kép, dứa diệp phúc... Hiện Trung tâm đang từng bước nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng sản xuất để nhân giống đại trà các giống hoa trên để phục vụ sản xuất của bà con. Dự kiến trong thời gian tới tập trung nghiên cứu và phát triển thêm về số lượng các giống hoa bản địa. Đồng thời, từ các chương trình hợp tác, liên kết với doanh nghiệp Hà Lan, Nhật Bản, các Viện, trường... đơn vị sẽ tuyển chọn những giống hoa mới, lạ, đẹp có khả năng thích nghi với điều kiện Đồng Tháp để trồng khảo nghiệm đưa vào sản xuất.
Mặc dù, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa kiểng ở TP.Sa Đéc là những bước đi sơ khai, song đây là tín hiệu khả quan cho sự chuyển mình của thành phố hoa Sa Đéc tương lai.
Mỹ Lý