Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đều trên đà phục hồi, tăng trưởng trở lại
Cập nhật ngày: 04/06/2022 06:09:34
ĐTO - Trong những tháng đầu năm 2022, với sự đồng hành của chính quyền cùng sự nỗ lực vượt khó, chủ động thích nghi tốt của cộng đồng doanh nghiệp đã tác động tích cực đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh nhà. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đều trên đà phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,56% so với cùng kỳ năm 2021. Đa số các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có sản lượng tăng so với cùng kỳ.
Thương mại nội địa từng bước phát triển khởi sắc, các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh khôi phục hoạt động trở lại với công suất đạt 100%. Các hoạt động kinh doanh, mua bán và sức tiêu thụ tăng trở lại, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước đạt 55.670 tỷ đồng, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, hai mặt hàng thủy sản và gạo có sự tăng trưởng ấn tượng góp phần vào tăng trưởng chung cho xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt 932,5 triệu USD, tăng 52,56% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên tinh thần đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, Sở Công Thương chủ động, phối hợp cùng các ngành, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường. Hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia Hội nghị kết nối tiêu thụ với Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Tổng hợp Wincommerce; triển khai Chương trình Kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM. Đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc; phối hợp các đơn vị liên quan thông tin về công tác kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo “Vùng xanh an toàn” trong khu vực cửa khẩu Bắc Luân II, Lối mở biên giới Km3+4 (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh); triển khai chỉ dẫn đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc.
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng tạo động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Sở Công Thương rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung hồ sơ thành lập cụm công nghiệp; phối hợp giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tiếp tục theo dõi tiến độ đầu tư các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, đơn vị còn thực hiện chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp” và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển.
Theo Sở Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh trên đà khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, xuất khẩu ổn định với số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Đến nay, cơ bản gần 100% các doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, với công suất ổn định. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp là 625/627 doanh nghiệp, với khoảng 67.147 lao động, đạt 97,07% công suất hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa Việt Nam với các nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của tỉnh tham gia xuất khẩu.
Tuy nhiên, một số vấn đề khó khăn mà nhiều doanh nghiệp đang đối diện, đó là chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất. Đặc biệt là giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo giá nguyên, nhiên vật liệu, chi phí logistics... tăng cao. Nhu cầu lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, may mặc vẫn chưa được giải quyết tốt.
Trước thực tế đó, Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến tài chính, các chính sách hỗ trợ giảm, gia hạn thuế, các loại phí, lệ phí liên quan đến thủ tục, hồ sơ của doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục tăng cường tiếp xúc, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp tiếp cận kịp thời chính sách của Trung ương và địa phương...
Y DU