Cách làm hay của anh tổ trưởng 8X
Cập nhật ngày: 31/08/2016 09:45:20
ĐTO - Một lần về Lai Vung công tác, chúng tôi nghe bà con chia sẻ về mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Nguyễn Hữu Dư đang cho hiệu quả kinh tế cao. Quyết định ghé vào thăm vườn thanh long của anh ở xã Phong Hòa (Lai Vung), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự mạnh dạn đầu tư về quy mô và cách làm của anh.
Anh Nguyễn Hữu Dư dự định sẽ xây dựng dàn đèn cho tất cả vườn thanh long trong tổ nhằm tạo thanh long trái vụ, bán với giá cao hơn
Trò chuyện với chúng tôi, anh Dư kể, sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết định ở nhà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và bắt đầu với nghề trồng huệ. Nhưng việc trồng huệ đem lại nguồn lợi không lớn. Trong một lần cùng với anh em nông dân huyện Lai Vung đi tham quan vườn thanh long ở Bình Thuận, thấy trồng thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà điều kiện thổ nhưỡng cũng tương đối phù hợp. Sau khi bàn bạc với gia đình, anh quyết định đầu tư toàn bộ 10ha diện tích đất vườn nhà để trồng thanh long ruột đỏ.
Để đầu ra ổn định, ngoài diện tích vườn nhà, anh Dư còn vận động bà con trồng thanh long cùng nhau thành lập Tổ hợp tác (THT) sản xuất thanh long ruột đỏ Phong Hòa và chủ động liên hệ với Công ty Thạch Võ (chi nhánh tại Măng Thít, Vĩnh Long) để đặt vấn đề bao tiêu. Thấy phương án sản xuất kinh doanh của anh hợp lý, công ty đã cam kết liên kết ổn định với THT được hơn 1 năm nay. Theo anh Dư, điểm đặc biệt khi liên kết với công ty này là bà con được hỗ trợ thu mua phân thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức gối đầu, việc thu mua diễn ra quanh năm, khi thu hoạch, công ty báo giá trước 10-15 ngày. Bên cạnh đó, công ty có sự trợ giá cho nông dân khi giá lên xuống thất thường, thấy việc liên kết ổn định nên bà con rất đồng thuận.
Ông Nguyễn Văn Đúng - tổ viên THT trồng thanh long ruột đỏ Phong Hòa chia sẻ: “Trước đây, do tự trồng nên thanh long đậu trái rất ít, cây bị sâu bệnh quanh năm nên năng suất không cao. Từ khi tham gia THT, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân và bao tiêu sản phẩm nên năng suất, lợi nhuận tăng lên đáng kể. Tính trung bình, 160 trụ thanh long của tôi mỗi năm cho lợi nhuận trên 40 triệu đồng. Bên cạnh đầu ra ổn định, tham gia THT, gia đình tôi còn có thêm thu nhập từ việc cho thuê bến bãi cho công ty trung chuyển, cũng như hỗ trợ tổ viên trong việc cung cấp sản phẩm cho công ty. Việc này cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình...”.
Hiện tại, ngoài 40ha diện tích THT thanh long ruột đỏ liên kết với Công ty Thạch Võ, anh Nguyễn Hữu Dư còn liên kết với 3 THT khác để cung cấp số lượng lớn thanh long cho công ty, với giá bán ổn định từ 20 - 50 ngàn đồng/kg, có lúc lên đến 70 ngàn đồng/kg, mỗi ha thanh long, nông dân có thể lãi từ vài chục đến trên 100 triệu đồng/năm. Thấy được lợi ích của việc liên kết này nên không chỉ bà con trong xã mà nhiều nông dân trồng thanh long ở các vùng lân cận cũng đăng ký tham gia THT. Đến nay, tổ có 40 thành viên, diện tích 40ha. Trong đó, có 10 tổ viên là đoàn viên thanh niên của xã cũng bắt đầu khởi nghiệp với mô hình này.
Anh Nguyễn Hữu Dư - Tổ trưởng THT thanh long ruột đỏ Phong Hòa cũng là 1 trong 2 thành viên nhỏ tuổi nhất tổ tâm sự: “Bây giờ làm ăn cục bộ theo kiểu mạnh ai nấy làm không còn hiệu quả. Muốn giá cả ổn định bắt buộc phải liên kết lại, gom hàng với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng, từ đó mới có tiếng nói với đối tác và cạnh tranh giá tốt. Trong tương lai, để chất lượng thanh long ổn định, THT sẽ vận động bà con xây dựng mô hình thanh long theo hướng VietGAP và lên kế hoạch xây dựng thương hiệu riêng cho thanh long Lai Vung. Hướng tới, tổ sẽ xây dựng dàn đèn cho tất cả vườn thanh long trong tổ nhằm tạo thanh long trái vụ, bán với giá cao hơn.
Đánh giá về cách làm của chàng thanh niên 8x Nguyễn Hữu Dư cũng như hiệu quả của THT thanh long ruột đỏ Phong Hòa, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa cho biết: THT là một trong những mô hình trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên tại Phong Hòa cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy mô hình chỉ mới hoạt động được hơn 1 năm nhưng cây thanh long ruột đỏ đem lại thu nhập khá cho nông dân từ việc tiêu thụ ổn định. Hiện tại, chúng tôi đang nhân rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ của THT cho người dân, nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương theo hướng đi phù hợp.
Mỹ Nhân