Đồng Tháp
Cải thiện Chỉ số PCI hướng đến sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp
Cập nhật ngày: 12/06/2022 06:04:57
ĐTO - Trong năm 2022, với mục tiêu bứt phá mạnh mẽ về điểm số và thứ hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đồng Tháp đã và đang triển khai nhiều giải pháp với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Song, điều cốt lõi mà tỉnh hướng đến là tạo ra môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế; thu hút đầu tư, phát triển cộng đồng doanh nghiệp (DN)...
Thực hiện tốt chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thường xuyên tiếp cận doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn
Vượt qua khó khăn giữ vững vị trí
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2021 là một năm đầy khó khăn, nhất là phải phòng, chống dịch Covid-19 nên nhiều quyết định chưa từng có tiền lệ được ban hành đối với DN. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng hành của cộng đồng DN, tỉnh đã đạt được 70,53 điểm PCI năm 2021 và xếp vị trí thứ 3. Đây là cột mốc ghi dấu 14 năm liên tiếp Đồng Tháp vinh dự được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI toàn quốc. Đồng Tháp cũng được các DN đánh giá là một trong các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế thuộc Top 10 tỉnh, thành phố có điểm PCI năm 2021 hàng đầu Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2021, Đồng Tháp có 3/10 chỉ số thành phần tăng điểm bao gồm: gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí không chính thức. Quan sát dữ liệu phân tích giai đoạn 2017-2021, “sự năng động và sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh” cải thiện tốt hơn so với giai đoạn 2012-2016. Điều này cho thấy, lãnh đạo các cấp chính quyền tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần năng động và ủng hộ mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, đảm bảo được sự ổn định, nhất quán trong việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh. Giai đoạn 2017-2021, tính “minh bạch” có cải thiện tốt hơn so với giai đoạn 2012-2016, cho thấy môi trường kinh doanh của tỉnh ngày càng minh bạch hơn, thể hiện qua các chỉ tiêu “đấu thầu công khai minh bạch hơn”; “khả năng dự liệu được việc thực thi của tỉnh với quy định pháp luật của Trung ương”; “khả năng dự liệu được thay đổi quy định pháp luật của tỉnh”...
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức vẫn tiếp tục duy trì ở điểm số cao. Theo số liệu phân tích, công tác cải cách hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức của tỉnh là rất tốt. Có 96% DN đánh giá “cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả”; 95% DN đồng tình với nhận định “cán bộ Nhà nước thân thiện”; 86% DN cho rằng “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”; 89% DN nhận định “thủ tục giấy tờ đơn giản”...
Ông Trần Ngô Minh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp, cho biết: “Nhằm thực hiện tốt chủ trương “Chính quyền đồng hành cùng DN”, thời gian qua, đơn vị đã tập trung nhiều giải pháp trong thực hiện niêm yết công khai thủ tục hành chính tại Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh; website của Sở Xây dựng để tổ chức, DN dễ dàng tiếp cận. Cùng với đó, thành lập tổ hướng dẫn về giải quyết thủ tục hành chính có thông tin, địa chỉ liên hệ rõ ràng và công bố rộng rãi nhằm hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính về xây dựng; tổ chức thực hiện công tác thẩm định dự án, công trình song song, đồng thời với các thủ tục về môi trường, đất đai, phòng cháy, chữa cháy. Qua đó, rút ngắn đáng kể thời gian triển khai thực hiện các thủ tục của dự án...”.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, tỉnh cũng thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đồng thời xây dựng các kênh trao đổi thông tin giữa chính quyền với DN; hỗ trợ giải quyết thủ tục cho DN; gia hạn nợ thuế; miễn giảm tiền lãi, cơ cấu lại các khoản nợ vay; giảm tiền điện, nước, viễn thông cho DN...
Về sự đồng hành cùng DN của chính quyền, ông Trần Thái Dương - Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Thái Dương (TP Hồng Ngự) chia sẻ: “Trong suốt quá trình đề xuất, nghiên cứu lập dự án đầu tư, đơn vị luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND TP Hồng Ngự, các sở, ngành chức năng của tỉnh, từ thủ tục quy hoạch sử dụng đất, cấp phép xây dựng, đến hoàn thiện các hồ sơ dự án theo quy định... Nhờ đó, dự án của đơn vị đã được triển khai thuận lợi, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra”.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2021 là một năm đầy khó khăn, nhất là phải phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù vậy, kết quả PCI 2021 của tỉnh vẫn được duy trì ở Top đầu, cho thấy, DN luôn đặt niềm tin đối với chính quyền tỉnh nhà. Tỉnh luôn quyết tâm cải thiện và nâng cao kết quả PCI, không vì mục tiêu thứ hạng mà hướng đến sự hài lòng, sự thành công của DN khi đầu tư tại địa phương.
Nỗ lực cải thiện chỉ số PCI
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh phấn đấu điểm số PCI tỉnh Đồng Tháp năm 2022 đạt từ 73 điểm trở lên và duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt” trên cả nước. Trong đó, đặc biệt quan tâm cải thiện các chỉ số thành phần có trọng số cao, ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số PCI như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (20%), đào tạo lao động (20%), tính minh bạch (20%), chi phí không chính thức (10%).
Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố đổi mới tư duy, nắm vững nội dung các chỉ số thành phần PCI, chủ động đề ra giải pháp thiết thực để cải thiện năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực quản lý trong năm 2022 phù hợp với tình hình thực tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại đơn vị phụ trách, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của cả tỉnh; tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 20/1/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2021 của Chính phủ, Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 27/1/ 2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển DN và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025.
Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kỳ vọng vào nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương
Cùng với đó, quán triệt nhận thức cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và sự năng động, sáng tạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan đến DN; chú trọng xây dựng các mô hình mới, hiệu quả để tạo sự lan tỏa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kiên quyết vượt khó và đoàn kết cùng thực hiện. Ngoài ra, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì làm đầu mối thực hiện việc cải thiện điểm số và thứ hạng từng chỉ số thành phần có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì và cùng chịu trách nhiệm về các chỉ số thành phần thuộc lĩnh vực phụ trách...
Nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thân thiện, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị liên quan đã chú trọng thực hiện giải pháp nâng điểm các chỉ số. Ông Nguyễn Nhựt Pháp - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Tháp, cho biết: “Thời gian tới, đơn vị sẽ đưa ra nhiều giải pháp giúp giải quyết sớm thủ tục so với thời gian quy định của thủ tục hành chính đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện các giải pháp để tích cực hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, người dân khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai hiện đại và đồng bộ với đề án chuyển đổi số của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, khai thác sử dụng thông tin đất đai...”.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND Đồng Tháp, cho biết: “Tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện những giải pháp đề ra và phải luôn xem việc cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ hàng đầu, không chủ quan, tự bằng lòng với kết quả hiện tại mà chậm đổi mới, chậm cải cách. Các cấp, các ngành phải xem mọi thành phần kinh tế như nhau, không có sự phân biệt DN lớn hay nhỏ. Đồng thời quan tâm, khuyến khích hộ kinh doanh phát triển lên DN; kịp thời cung cấp thông tin cho DN, chủ động đến với DN nhiều hơn. Cùng với đó, rà soát các chi phí liên quan DN, trong đó khắc phục tình trạng chi phí không chính thức đối với DN...”.
Khánh Phan