Huyện Châu Thành
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù
Cập nhật ngày: 09/06/2022 13:44:37
ĐTO - Để hoàn thiện và phát triển chuỗi liên kết ngành nông nghiệp một cách bền vững, UBND huyện Châu Thành đã triển khai kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù giai đoạn 2021 - 2025. Điều này nhằm phát huy lợi thế của địa phương, tạo ra các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường; thu nhập và đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận (xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành) triển khai mô hình giảm giá thành trong sản xuất lúa
Theo UBND huyện Châu Thành, thời gian qua, huyện tập trung triển khai nhiều giải pháp hướng đến việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Với ngành hàng lúa gạo, huyện chủ trương tập trung chuyển đổi sản xuất giống lúa chất lượng cao theo hướng an toàn và liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao chiếm 20,4% trên tổng diện tích gieo trồng hàng năm.
Là một trong những mô hình đi đầu trong việc áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) đã tập trung sản xuất lúa, gạo theo hướng VietGAP nhằm tạo ra những sản phẩm đẹp về mẫu mã, bảo đảm về chất lượng. Ông Huỳnh Hoàng Hưng - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân cho biết: “Để đảm bảo thống nhất cho tất cả thành viên, đơn vị xây dựng một quy trình sản xuất từ khâu gieo sạ đến thành phẩm. Theo đó, đơn vị đã tổ chức việc liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chặt chẽ các khâu (cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn cho các thành viên; đầu tư thiết bị máy móc sơ chế, đóng gói gạo chất lượng an toàn cung cấp cho thị trường). Đồng thời thực hiện liên kết tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho thành viên...”.
Huyện Châu Thành cũng triển khai rộng rãi nhiều mô hình về sản xuất lúa theo hướng giảm giá thành tại các xã: An Phú Thuận, Tân Phú Trung, Phú Long. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất đầu vào, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất lúa.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) sản xuất ra sản phẩm gạo thơm đặc sản Nha Mân đạt chuẩn OCOP 3 sao
Đối với ngành hàng nhãn, UBND huyện Châu Thành tập trung đổi mới việc tổ chức sản xuất thông qua các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đến nay, trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác chuyên sản xuất và kinh doanh nhãn. Các đơn vị này thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất, triển khai các dịch vụ kỹ thuật cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào và liên kết tiêu thụ đầu ra nông sản cho thành viên. Đặc biệt, chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong canh tác, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, tổng diện tích nhãn được chứng nhận VietGAP là 126,19ha, chiếm 3,8% và có 19,5ha được cấp chứng nhận GlobalGAP; có 315ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đến nay, nhãn Châu Thành đã xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Trung Quốc... thông qua việc ký kết với các Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, Công ty Chánh Thu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu N&N Fruits, Công ty GreenBoo...
Huyện đã hình thành vùng sản xuất tập trung khoai lang với quy mô lớn tại các xã: Tân Phú, Hòa Tân và Phú Long, với diện tích gieo trồng hàng năm đạt 3.312ha, chiếm 61% diện tích gieo trồng màu toàn huyện. Trong thực hiện tái cơ cấu ngành hàng khoai lang, huyện tập trung phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và người tiêu dùng; ưu tiên phát triển giá trị sản phẩm sau chế biến gắn với phát triển sản phẩm OCOP thông qua việc đăng ký thực hiện đề tài khoa học cơ sở về chế biến các sản phẩm từ khoai lang. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu khoai lang của huyện...
Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: “Thời gian tới, huyện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển đổi cơ cấu nội ngành, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, nông nghiệp an toàn; đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; xây dựng chương trình hỗ trợ, phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp huyện; phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế trang trại, mở rộng quy mô chuyên môn hóa...”.
Huyện Châu Thành tập trung phát triển ngành hàng khoai lang theo hướng bền vững, liên kết chuỗi giá trị
Huyện Châu Thành cũng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, lựa chọn hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh đang hoạt động sản xuất sản phẩm đặc trưng nhất của địa phương tham gia chương trình thông qua việc hỗ trợ phát triển, chuẩn hóa sản phẩm và kết nối liên kết tiêu thụ gắn với vùng nguyên liệu của địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã theo hướng đa dịch vụ; phát triển và hoàn thiện mô hình hội quán, tạo nguồn chuyển đổi thành hợp tác xã; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã cải tiến máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất từ chương trình khuyến công Quốc gia và địa phương; xây dựng nhãn hiệu, cải tiến và phát triển bao bì hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làm tăng giá trị trên thị trường. Đồng thời tăng cường thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh...
Khánh Phan