Cần tăng cường tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp

Cập nhật ngày: 12/04/2013 05:52:07

Đến cuối năm 2012, có 10.855 lượt hộ, trong đó có 6.868 lượt hộ nghèo, 2.698 lượt hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa, với tổng diện tích 6.191ha.

Thực hiện Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã tham gia thí điểm bảo hiểm cây lúa tại 3 huyện: Tân Hồng, Tháp Mười và Châu Thành, các huyện đã thực hiện đăng ký ở 100% các xã, thị trấn. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Bảo hiểm Nông nghiệp, 100% các xã đều thành lập Ban vận động xã.


Hộ dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp ngày càng tăng

Công tác quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm nông nghiệp được quan tâm thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan Đảng, các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung, mục đích, ý nghĩa của các việc thực hiện thí điểm bảo hiểm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nông dân. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa, giai đoạn 2011 - 2013.

Trong quá trình thực hiện bảo hiểm nông nghiệp trên cây lúa có những thuận lợi như: một số cơ chế, chính sách đã được các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh và doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức triển khai thực hiện; các ngành, địa phương đã tập trung thực hiện Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, các đoàn thể hỗ trợ tích cực công tác tuyên truyền vận động, từ đó tỷ lệ hộ dân tham gia Chương trình ngày càng tăng. Công tác giải quyết bồi thường được thực hiện đúng quy định, đến nay chưa có dấu hiệu về trục lợi bảo hiểm.

Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn, hạn chế như: sự phối hợp trong thực hiện công việc cũng như trong giải quyết bồi thường chưa nhịp nhàng, chưa kịp thời, còn lúng túng trong xử lý một số trường hợp phát sinh; đa số nông dân thực hiện quy trình canh tác lúa theo kiểu cũ, hoặc chỉ thực hiện một phần nào đó trong quy trình canh tác được ban hành; công tác tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình canh tác chưa thường xuyên, chưa tạo chuyển biến tích cực cho người sản xuất; một số đại lý bảo hiểm hoạt động không hiệu quả, công tác chuyên môn còn hạn chế... Đây là những khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Nhằm phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, để Chương trình bảo hiểm nông nghiệp ngày càng đạt được những kết quả tích cực, cần tăng cường công tác tuyên truyền về bảo hiểm nông nghiệp; các cơ quan chức năng như Bộ, ngành Trung ương cần ban hành quy trình thực hiện bồi thường thiệt hại bảo hiểm để triển khai trong dân bằng nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền bằng tài liệu như sổ tay, tờ bướm, các phương tiện truyền thông...

Cần quy định các biểu mẫu, thủ tục hành chính liên quan đến công tác bồi thường để người dân dễ thực hiện, các cấp chính quyền dễ kiểm tra, giám sát; mở lớp tập huấn về bồi thường, giải quyết tranh chấp bồi thường... Từ đó, sẽ tạo nhiều điều kiện cho người dân tiếp cận đầy đủ thông tin, nâng cao hơn về nhận thức, tích cực hơn trong việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Hoan Huyền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn