Để Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ 20-10 phát triển ổn định

Cập nhật ngày: 12/04/2013 06:08:59

Những năm gần đây, Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ 20-10 (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương. Tuy nhiên, để HTX phát triển ổn định hiện vẫn còn nhiều nỗi lo.

Chị Mai Thị Thanh Tuyền - Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ (HXTTCMN) 20-10 cho biết: Bình Thạnh được biết đến là vùng dệt chiếu và trồng lát truyền thống, trước kia cũng có một số hộ ở xã làm nghề dệt chiếu nhưng quy mô nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn huyện. Năm 2010, được sự động viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Ban quản trị HTX TCMN đã quyết tâm “khôi phục” lại HTX Tiểu thủ công nghiệp ở xã Bình Thạnh với mục đích là đầu mối đại diện các hộ làm chiếu, đan lục bình để thu, mua và bán cho thương lái ở các tỉnh, tạo việc làm cho lao động nghèo tại địa phương...


Dệt chiếu tại trụ sở Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ 20-10

Ban đầu HTX thành lập với 25 xã viên, ngành nghề hoạt động chính là sản xuất kinh doanh chiếu và gia công các sản phẩm từ nguyên liệu cây lục bình. Qua thời gian hoạt động có hiệu quả nên số xã viên tham gia ngày càng nhiều, thu nhập người lao động từ đó cũng tăng lên. Đến nay, HTX có 38 xã viên hoạt động thường xuyên, công việc ổn định cả năm, với mức thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, HTX cũng đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 200 lao động nhàn rỗi tại địa phương gia công dệt chiếu, may bìa chiếu, đan các sản phẩm từ nguyên liệu lục bình... nhờ đó, các hộ làm chiếu, gia công lục bình đều có thu nhập ổn định.

Anh Tăng Thanh Phong, thành viên HTX 20-10 cho biết: “Quê gốc gia đình tôi ở Vĩnh Long, mấy năm nay lên đây lập nghiệp không có đất sản xuất, nhờ Chi hội phụ nữ ấp giới thiệu cho vợ chồng tôi vào gia công dệt chiếu mỗi tháng cho thu nhập khoảng 1,8 triệu đồng/người nên cuộc sống gia đình cũng tạm ổn”.

Cũng như anh Phong, chị Nguyễn Thị Ba ở ấp Bình Tân, xã Bình Thạnh nhận gia công sản phẩm từ nguyên liệu lục bình cho biết, do thấy nhiều chị em trong cụm dân cư nhận đan lục bình để tăng thu nhập nên chị cũng làm theo, với gia đình chị, ngoài đan lục bình còn trồng thêm 5 công ruộng, đan lục bình vừa tranh thủ thời gian vừa có thêm thu nhập để chị trang trải cho cuộc sống gia đình.

Theo thống kê, trong tổng số hộ tham gia HTX, có trên 90 hộ thuộc diện hộ nghèo. Tính đến nay, HTX đã giúp cho gần 30% số hộ vươn lên thoát nghèo. Mô hình hiệu quả này đang được địa phương duy trì và sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới để giúp người dân tăng thêm thu nhập. Chị Tuyền tâm sự: “HTXTCMN đã được hồi sinh, phát triển nhờ được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. Từ đó số lượng và chất lượng chiếu cũng tăng lên đáng kể. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, ngoài thị trường trong tỉnh, thương lái ở Đà Nẵng, Tiền Giang, Bình Thuận cũng đến đặt hàng”.

Để từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất hiện đại, dự định sắp tới của HTX là sẽ mua thêm 2 máy dệt chiếu 1,4m để xử lý các loại lát ngắn và 1 máy ép chiếu nhằm đáp ứng đủ kích cỡ chiếu cho nhu cầu thị trường và khép kín các khâu sản xuất chiếu. Bên cạnh đó, HTX vận động người lao động tham gia làm xã viên để xã viên có nguồn lợi từ thu nhập công lao động. Hơn nữa, xã viên khi góp vốn còn có thêm lợi nhuận, tạo mối liên kết gắn bó của xã viên với HTX.

Tuy nhiên, điều mà Ban quản trị HTX băn khoăn hiện nay là vấn đề thiếu vốn sản xuất để mở rộng quy mô HTX. Vì thế, để chủ động hơn, chị Tuyền cùng Ban quản trị rất mong được cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét cho vay vốn để mở rộng HTX. Khi đã có nguồn vốn, HTX sẽ củng cố và mở rộng quy mô, ký kết thêm nhiều hợp đồng, nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động. Cũng theo tính toán của chị Tuyền, nếu có vốn, HTX sẽ chủ động trong việc thu mua nguyên liệu vào những tháng mùa khô, bởi thời gian này giá nguyên liệu rẻ, đẹp, nếu mua dự trữ sản xuất thì chất lượng sản phẩm sẽ đạt cao hơn, được khách hàng ưa chuộng, lợi nhuận thu được cũng nhiều hơn...

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình HTXTCMN 20-10 trong việc giải quyết công ăn việc làm của người dân địa phương, UBND xã Bình Thạnh đã khuyến khích mở rộng mô hình và đang có kiến nghị huyện, tỉnh có hướng để hỗ trợ cho HTX vay vốn. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: Hiện nay, lao động tham gia HTX đều có thu nhập ổn định, tuy nhiên do khó khăn về vốn nên hoạt động của HTX còn hạn chế. Để HTX hoạt động có hiệu quả, địa phương rất hy vọng huyện, tỉnh hỗ trợ để HTX tiếp cận được các nguồn vốn vay của tỉnh cũng như nguồn vốn đầu tư phát triển để HTX có bước phát triển, góp phần giải quyết việc làm ở địa phương.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn