Cần triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống sạt lở

Cập nhật ngày: 26/10/2019 05:49:18

ĐTO - Tình hình sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng. Những ảnh hưởng tiêu cực từ sạt lở khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn khi họ mất nhà, đất sản xuất... Thực trạng này đang đặt ra vấn đề cấp bách về giải pháp trong công tác phòng, chống sạt lở.


Sạt lở đường lộ gây mất nhà mất đất của người dân

Sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng trong những năm gần đây hết sức phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại. Các vụ sạt lở mạnh xảy ra ngay trong mùa khô gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Đáng lưu ý là vụ sạt lở năm 2018, do nước lũ lên cao ngập đồng tạo sóng đánh làm sạt lở 2 bên bờ đường tuần tra biên giới thuộc khóm Trà Đư, phường An Lạc, TX.Hồng Ngự với chiều dài 50m, sâu vào bờ từ 5-10m, ảnh hưởng đến 6 hộ dân. Một số điểm thuộc tuyến đường tuần tra biên giới thuộc huyện Tân Hồng với tổng chiều dài 7,1km cũng chịu sự tác động này. Cũng trong năm 2018, từ ngày 3 - 11/6, trên địa bàn huyện Cao Lãnh xảy ra liên tiếp 10 vụ sạt lở với chiều dài là 244m, diện tích sạt lở 733m2.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, từ đầu năm 2016 đến nay, diện tích đất mất do sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng tổng cộng là gần 7ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 68 hộ dân, ước thiệt hại tài sản, nhà cửa và di dời dân là trên 13 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ sạt lở bờ sông, kênh nội đồng tại các huyện: Cao Lãnh, Châu Thành, Thanh Bình, Lai Vung với chiều dài trên 3.200m, diện tích sạt lở là 8.100m2; gây ảnh hưởng trực tiếp 35 hộ dân, thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.

Theo ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở. Về khách quan là do động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu gây ra sạt lở. Đối với nguyên nhân chủ quan, do các tác động của con người như: công trình giao thông nông thôn nằm ngay sát bờ sông, chưa quản lý tải trọng cho phép đối với phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện giao thông thủy chạy với tốc độ cao dẫn đến hiện tượng sạt lở cục bộ. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình nhà ở trái phép sát bờ sông, lấn chiếm lòng dẫn cản trở thoát lũ, đào ao nuôi trồng thủy sản sát bờ bao, nuôi thủy sản bằng bè ngoài quy hoạch lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp mặt cắt ướt của lòng sông... cũng là nguyên nhân gây ra thực trạng trên.

Ông Võ Thành Ngoan cho hay: “Trước diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp phi công trình và công trình để chủ động phòng tránh, lên phương án khắc phục sạt lở. Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp”.


Giao thông chia cắt do sạt lở

Cấp bách với giải pháp phi công trình chống sạt lở

Nhằm giải quyết kịp thời tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng và giảm chi phí, ông Đỗ Hoài Nam - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công trình biển thuộc Viện Kỹ thuật biển cho rằng, với số lượng kênh mương lớn và chằng chịt, tỉnh Đồng Tháp nên ưu tiên các giải pháp phi công trình. Cụ thể như cấm phá rừng; theo dõi, dự báo, xây dựng cơ sở dữ liệu; chủ động di dời dân; điều chỉnh quy hoạch phù hợp; thay đổi mô hình sản xuất, xây dựng; giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng. Riêng đối với giải pháp công trình, địa phương nên ưu tiên các giải pháp mềm, thân thiện môi trường, chi phí thấp như: xây dựng kè tường cừ nhựa uPVC; kè kiên cố kết hợp thảm thực vật; kè mềm sinh thái; kè mềm thảm rọ đá; kè tường bê tông Bloack lắp ghép...

Đề xuất giải pháp cấp bách phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng, PGS.TS Nguyễn Nghĩa Hùng - Phó Viện trưởng Khoa học Thủy lợi miền Nam đề nghị, địa phương xây dựng đồ án tổng thể cho việc phòng, chống sạt lở trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, làm rõ các khu vực nguy cơ, khoanh vùng các khu vực xói, sạt và chủ động hàng loạt giải pháp (rọ, lục bình, tràm, bao tải cát...). Các huyện cần chủ động một số giải pháp cơ bản như theo dõi trước, trong và sau mùa mưa, vết nứt, cắm các mốc cảnh báo; xây dựng nguồn dự phòng để chủ động ứng phó khi vỡ đê, sạt lở khu dân cư tập trung. Bên cạnh đó, cần cấm triệt để việc xây dựng nhà cọc, gia cố các nhà hiện hữu và từng bước di dời những công trình trái phép để thuận tiện cho công tác triển khai các công trình chống sạt lở sau này.

Theo ông Mai Văn Đối - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, vấn đề địa phương lo ngại hiện nay là tình trạng sạt lở nội đồng đang diễn biến hết sức phức tạp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân khi họ mất đất sản xuất, kế sinh nhai. Từ đó, nhiều hệ lụy về an sinh xã hội tiếp tục là bài toán khó cần giải quyết...

Ông Mai văn Đối cho rằng: “Trước những diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở, địa phương chỉ đạo thực hiện các biện pháp phi công trình và công trình để chủ động phòng tránh, lên phương án khắc phục sạt lở. Tuy nhiên, để có giải pháp hiệu quả, trước tiên, Sở NN&PTNT nên xây dựng đề án tổng thể khoanh vùng các điểm sạt lở giúp các địa phương và người dân nắm rõ và có giải pháp cảnh báo kịp thời. Đối với các công trình, nhà cửa xây dựng cặp bờ sông cần có sự thăm dò cụ thể nhằm tránh gây hậu quả nếu xảy ra sạt lở. Đặc biệt, đối với việc khai thác cát, nạo vét kênh, rạch cần phải có sự đánh giá kỹ lưỡng từ các chuyên gia, nhà khoa học mới tiến hành thực hiện. Vì đây là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở nghiêm trọng hiện nay”.

Ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, Sở sẽ thống kê, tổng hợp các đề xuất, đồng thời theo dõi, tổng hợp tình hình, diễn biến sạt lở, kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó. Tuy nhiên, để triển khai các giải pháp phòng, chống sạt lở hiệu quả, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành hữu quan và các huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng, chống sạt lở. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các công trình, nhà ở, kho tàng dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở. Riêng các địa phương cần theo dõi diễn biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để chủ động phòng tránh. Đặc biệt là hỗ trợ người dân trong khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn...

MỸ NHÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn