Chàng trai 9X khởi nghiệp từ nấm rơm hấp
Cập nhật ngày: 19/07/2022 11:30:36
ĐTO - Với lòng nhiệt huyết và niềm đam mê với nông nghiệp, anh Tống Duy Khương (SN 1990) - chủ Cơ sở nấm rơm Phước Lộc thuộc ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung bước đầu khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất nấm rơm hấp thương hiệu Phước Lộc. Điều này góp phần cải thiện thu nhập, tạo hướng đi mới cho nông sản thế mạnh địa phương.
Anh Tống Duy Khương thực hiện công đoạn đóng gói sản phẩm nấm rơm hấp
Anh Tống Duy Khương cho biết: “Trong suốt quá trình đi học và làm việc, tôi luôn nuôi giữ niềm đam mê với ngành nông nghiệp. Trong đó, tôi nhận thấy sản phẩm nấm rơm tại quê hương rất giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, sản phẩm này lại chưa được khai thác hết tiềm năng. Sản phẩm sau khi thu hoạch chủ yếu chỉ dừng lại ở việc bán nấm tươi”.
Với sức trẻ và sự năng động vốn có, năm 2017, anh Khương quyết định về quê lập nghiệp để được thỏa mãn ước mơ, niềm đam mê và tự chủ công việc của mình. Từ những ý tưởng hình thành từ trước, anh Khương định hướng khởi nghiệp với sản phẩm nấm rơm hấp nhằm khai thác tối ưu lợi ích kinh tế và gia tăng giá trị sản phẩm.
Anh Khương chia sẻ: “Thời điểm đầu, do chưa có kinh nghiệm bảo quản thực phẩm nên nhiều đợt nấm bị hỏng, khâu sản xuất còn nhiều công đoạn thủ công khiến chất lượng sản phẩm chưa đạt như mong đợi. Nấm rơm hấp lại còn khá lạ với người tiêu dùng nên thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Không nản chí, anh vừa kinh doanh, vừa tự mày mò kỹ thuật trồng và chế biến thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Sau nhiều lần thất bại, đến đầu năm 2022, anh Khương bước đầu thành công và cho ra đời sản phẩm nấm rơm hấp mang thương hiệu Phước Lộc.
Theo anh Khương, để cho ra được sản phẩm nấm rơm hấp hoàn chỉnh, từ nấm tươi phải trải qua quá trình cắt gọt loại bỏ các phần phụ phẩm, tiếp đến là rửa sạch. Sau công đoạn này là quá trình hấp thanh trùng, toàn bộ quá trình chế biến hoàn toàn khép kín. Vì vậy, sản phẩm có thời hạn sử dụng lâu hơn gấp 30 lần so với nấm rơm tươi, đồng thời giữ được hương vị và thành phần dinh dưỡng... Đến nay, mỗi tháng, Cơ sở nấm rơm Phước Lộc cung ứng cho thị trường hơn 1 tấn sản phẩm nấm rơm hấp. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và các địa phương vùng Đông Nam Bộ, miền Trung...
Sản phẩm nấm rơm hấp Phước Lộc; Ảnh: N.KHÁNH
Trong định hướng tới, anh Tống Duy Khương cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu thêm nhiều dòng sản phẩm chế biến nấm rơm khác. Bên cạnh đó, tập trung việc sản xuất và chế biến nấm rơm theo hướng sạch, hữu cơ, mở rộng liên kết với các hộ trồng nấm rơm trong xã, thiết kế lại bao bì nhãn mác nghiên cứu tìm kiếm thêm nhiều đối tác liên kết nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho cây nấm rơm”.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lai Vung cho biết: “Thời gian qua, sản phẩm nấm rơm hấp của Cơ sở nấm rơm Phước Lộc góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đồng hành với sự phát triển của cơ sở, địa phương hỗ trợ cơ sở tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, diễn đàn trong và ngoài tỉnh, góp phần liên kết với các đối tác thu mua trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ cơ sở về thiết kế bao bì, nhãn mác; ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến theo các chương trình hỗ trợ của huyện và tỉnh. Đồng thời hỗ trợ đơn vị tham gia nhiều hơn các diễn đàn, hội chợ thương mại, giúp quảng bá giới thiệu sản phẩm...”.
TRANG HUỲNH