Châu Thành khuyến khích người dân chuyển đổi trồng cây có hiệu quả kinh tế cao

Cập nhật ngày: 24/04/2013 05:16:06

Hiện nay, bên cạnh việc vận động người dân tiếp tục áp dụng chặt chẽ các biện pháp quản lý dịch bệnh trên cây nhãn, huyện Châu Thành đang có định hướng khuyến khích người dân chuyển đổi sang những cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, trong đó xác định nhãn Edor là loại cây trồng chính.


Nhãn bị bệnh chổi rồng

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Châu Thành có trên 3.700ha diện tích trồng nhãn, trong đó diện tích nhãn da bò hơn 3.500ha. Năm 2012, 100% diện tích nhãn da bò của huyện bị nhiễm bệnh chổi rồng. Trước tình hình trên, huyện đã triển khai, phát động nhà vườn dập dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn trong phạm vi toàn huyện. Qua đó, có trên 90% diện tích đã thực hiện quy trình cắt đọt nhãn, phun thuốc trừ bệnh để dập dịch. Tuy nhiên, công tác dập dịch chổi rồng đạt hiệu quả chưa cao, tỷ lệ bệnh sau khi ra bông tái nhiễm bệnh từ 50-70%.

Hiện nay, khó khăn lớn nhất của nhà vườn là do giá nhãn không cao nên họ không mạnh dạn đầu tư cho công tác dập dịch chổi rồng. Với mức giá nhãn da bò như hiện nay (8.000 - 14.000 đồng/kg), các nhà vườn dập dịch có hiệu quả, năng suất chỉ đạt khoảng trên 10 tấn/ha. Trong khi đó, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu đều tăng, trừ tất cả chi phí, người dân chỉ thu được lợi nhuận từ 10-20 triệu đồng/ha. Thấp hơn rất nhiều sản lượng lúa 2-3 vụ trong năm.

Còn đối với nhãn Edor, lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần, trung bình cây từ 5 năm tuổi trở lên có năng suất 20tấn/ha sẽ thu được 600 triệu đồng/ha, giá cao khoảng 25 đến 30 ngàn đồng/kg; sau một năm, người dân có thể thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, khả năng nhiễm bệnh chổi rồng ở mức nhẹ, nhà vườn có khả năng khống chế bệnh được.

Ông Huỳnh Minh Phụng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: Để có định hướng phát triển cây ăn trái trên địa bàn huyện, nhất là chuyển đổi từ cây nhãn da bò đang bị bệnh chổi rồng nặng, hiệu quả kinh tế không cao sang giống cây trồng khác, huyện đã phối hợp với Viện cây ăn quả miền Nam tổ chức khảo sát các vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện, tổ chức hội thảo định hướng phát triển cây ăn trái.

Trong đó đã xác định nhãn Edor và một số cây trồng khác là loại cây có khả năng phát triển để thay thế cây nhãn da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng nặng, phòng trị bệnh không đạt kết quả, không mang lại hiệu quả kinh tế. Riêng đối với những vườn có điều kiện thực hiện phòng trị bệnh chổi rồng đạt kết quả, thì vận động người dân tiếp tục áp dụng chặt chẽ các biện pháp quản lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan và tái phát.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn