Chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp từng bước phát huy hiệu quả

Cập nhật ngày: 12/02/2013 14:02:04

Vị trí thuận lợi nằm cạnh Quốc lộ 30 và sông Cái Nhỏ nối ra sông Tiền, cùng với chính sách ưu đãi cho các hộ kinh doanh mua bán, Chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp (tọa lạc tại ấp 2, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) ngày càng thu hút tiểu thương và nhà vườn chọn làm điểm kinh doanh...


Nhà vườn thu hoạch xoài Tết

Vào những ngày giáp Tết, nông sản từ các nơi tập kết về chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp. Khung cảnh mua, bán trở nên khẩn trương, người chuyền kẻ vác, xe ra vào tấp nập, không khí mua bán nhộn nhịp hẳn lên. Anh Nguyễn Văn Có - vựa trái cây Dân nói: “...Vào đợt Tết, chợ hoạt động rất sung túc, nhộn nhịp, nhưng an ninh trật tự rất ổn, tiểu thương chấp hành tốt nội quy Ban quản lý chợ đề ra. Mặt bằng, bến bãi, điều kiện kinh doanh ở đây tốt nên việc mua bán trao đổi diễn ra thuận lợi”.

Chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp đi vào hoạt động tháng 4/2006, có tổng vốn đầu tư xây dựng và thiết bị khoảng 19 tỷ đồng, diện tích xây dựng 5,2ha gồm kho lạnh, trung tâm xử lý bảo quản trái cây tươi, khu nhà lồng, cơ sở chế biến, hệ thống rửa, sấy trái cây tự động, khu vực nhà nghỉ, ăn uống, giải trí...

Ông Huỳnh Thanh Hồng, Trưởng BQL Chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp cho biết: “Các nhà vựa, tiểu thương vào chợ bắt nhịp kinh doanh rất nhanh và thuận lợi, do trước đây khi kinh doanh bên ngoài, họ đã có mối làm ăn sẵn. Ban đầu có khoảng 70% nhà vựa hoạt động, đến nay toàn bộ nhà vựa đã được thuê kín, hoạt động của chợ đi vào ổn định và hiệu quả, lượng hàng hóa nhập chợ ngày càng tăng. Trung bình, mỗi ngày lượng hàng hóa vào chợ lên đến hơn 200 tấn. Chợ hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại điạ phương...”.

Tính đến nay, chợ đầu mối đã thu hút 40 thương nhân vào đầu tư, xây dựng được 53 nhà vựa kinh doanh mua bán trái cây. Hiện tại, Trung tâm xử lý bảo quản trái cây đã được 1 doanh nghiệp ở TPHCM thuê thu mua trái cây xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

Hiện chợ vẫn đang thực hiện chính sách ưu đãi, chỉ thu tiền thuê mặt bằng và thu phí trông giữ xe nhập chợ nhưng rất thấp, đặc biệt là không thu hoa chi. Riêng nhà vườn vào đây mua bán có thể thoải mái lựa chọn đối tác, vựa nào được giá thì bán mà không tốn khoản chi phí nào.

Chị Hồ Thị Hạnh - chủ vựa trái cây Kim Hạnh cho biết: “Trước đây kinh doanh tại nhà mặt bằng hẹp, không có chỗ để hàng, vận chuyển khó khăn. Từ khi vào chợ đầu mối, hoạt động mua bán, vận chuyển lên xuống hàng rất thuận tiện, chi phí cũng giảm... Bình quân mỗi ngày vựa tôi xuất hàng khoảng 500kg, vào các đợt lễ, tết, ngày rằm số lượng tăng lên hàng tấn”.

Theo BQL chợ, ngoài tiêu thụ trái cây trong tỉnh, chợ đầu mối còn thu mua một số hàng nông sản ngoài tỉnh và trái cây nhập khẩu thông qua chợ rồi phân phối về các chợ, sạp bán lẻ khu vực lân cận. Năm 2012, sản lượng trái cây buôn bán thông qua chợ khoảng 50.000 tấn các loại. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia và các vựa trái cây ở TPHCM, Tây Nguyên, miền Bắc, miền Trung... tổng doanh thu gần 1,5 tỷ đồng, tổng chi hơn 1 tỷ đồng.

Không những là nơi tập kết mua bán trái cây, Chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp còn có vai trò phản ánh nhu cầu của thị trường về số lượng, chất lượng, mùa vụ, địa chỉ giao dịch giữa người bán và người thu mua... Qua đó, nhà vườn - nhà vựa nắm bắt nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Để thu hút tiểu thương, duy trì hoạt động chợ ngày một phát triển, ông Huỳnh Thanh Hồng cho hay: “Hướng tới, BQL chợ sẽ đẩy mạnh các dịch vụ giới thiệu hàng mẫu, hỗ trợ khuyến nông, tiếp thị, quảng cáo; liên kết với nông dân sản xuất trái cây an toàn, đảm bảo nguồn cung thị trường. Hiện nhu cầu của tiểu thương vào kinh doanh tại chợ vẫn còn, BQL chợ mong muốn tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng chợ giai đoạn 2, đồng thời đầu tư Trung tâm hội thảo, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm trái cây đặc sản Đồng Tháp...”.

Thành Luân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn