Chủ động các biện pháp bảo vệ vườn cây ăn trái mùa nắng nóng
Cập nhật ngày: 24/04/2015 11:28:10
Thời tiết đang trong mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu, bệnh phát triển, gây hại trên cây ăn trái, do đó bà con nông dân nên quan tâm chăm sóc vườn, quản lý tốt các đối tượng dịch hại, nhất là từ nay đến gần cuối tháng 3 âm lịch.
Nhà vườn nên thường xuyên theo dõi diễn biến sâu hại để có biện pháp xử lý kịp thời
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đồng Tháp, thời điểm hiện tại toàn tỉnh có trên 24.500ha diện tích vườn cây ăn trái gồm: xoài, nhãn, các loại cây có múi... So với các vụ sản xuất trước, vụ này do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài nên các loại cây ăn trái gặp nhiều bất lợi. Đáng chú ý là các đợt nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, một phần nhỏ diện tích vườn cây ăn trái bị các đối tượng sâu bệnh gây hại. Các loại sâu bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng như: nhện đỏ, bọ trĩ, rầy mềm, rầy bông xoài, rầy chổng cánh, nhện lông nhung, bù lạch... gây rụng hoa, hư trái, giảm sinh trưởng.
Ông Trần Thanh Tâm - Trưởng Phòng BVTV Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Vụ mùa năm nay, các nhà vườn trong tỉnh đã làm tốt những khâu xử lý ra hoa, tỉa cành, tạo tán ngay từ đầu vụ nên tỷ lệ đậu trái tại các vườn khá cao, ít bị ảnh hưởng sâu bệnh. Tuy nhiên, một phần diện tích vườn xử lý ra hoa, cung cấp nước cho cây không đảm bảo theo khuyến cáo là nguyên nhân làm xuất hiện thêm nhiều loại đối tượng gây hại. Đáng lưu ý hơn, các đợt nắng nóng cũng là nguy cơ dẫn đến đất trồng sẽ bị ảnh hưởng vì thiếu nước, nhưng số diện tích bị ảnh hưởng không nhiều do đã chủ động được việc bơm, tưới”.
Để hạn chế đến mức thấp nhất sâu bệnh gây hại trên vườn cây ăn trái, theo Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp: Chuẩn bị cho vụ mùa mới, sau khi thu hoạch người dân nên tăng cường các biện pháp chăm bón cho cây trồng, giúp cây lấy lại sức. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, nhà vườn cần sử dụng các loại vật liệu như: rơm rạ, cỏ... để che đậy gốc cây, vun sình giữ ẩm độ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật chăm sóc, tưới nước phù hợp từng loại cây theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Khi tưới nước, người dân nên tưới vào buổi xế chiều và có thể phun nước trực tiếp lên tán cây nhằm hạn chế mật số sâu hại.
Khi sử dụng các loại thuốc BVTV, nhà vườn nên chú ý sử dụng thuốc đặc trị cho từng loại bệnh và sử dụng liều lượng thuốc hợp lý. Bổ sung các loại phân hữu cơ và kali giúp phát triển mạnh các loài vi sinh vật có lợi và điều tiết tốt quá trình bốc thoát hơi nước trên lá. Đối với các vườn cây ăn trái đang giai đoạn đậu trái, nhà vườn nên bổ sung thêm botrac, molipden (giàu vi lượng). Khi phun thuốc người dân phải chú ý luân phiên theo gốc thuốc.
Ông Tâm cho rằng: “Nông dân nên thường xuyên thăm vườn để nắm rõ diễn biến sinh trưởng của loài sâu hại nhằm có những biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện có sự xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại thì nên phun ngay các loại thuốc phòng trừ. Tuyệt đối không phun ngừa định kỳ khi mật số sâu hại còn thấp”.
Nhật Khánh