Quyết liệt hơn với buôn lậu thuốc lá
Cập nhật ngày: 24/04/2015 11:17:37
Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 (BCĐ), tình hình vận chuyển buôn lậu hàng cấm hàng nhập lậu trên địa bàn biên giới và nội địa trong quý 1 năm 2015 có tăng nhưng diễn ra ở mức độ nhỏ lẻ.
Thuốc lá lậu được tập kết chờ tiêu hủy
So với trước đây, hàng hóa được tuồn qua biên giới với số lượng lớn thì hiện nay, thủ đoạn tuồn hàng của những đối tượng buôn lậu tinh vi hơn. Để tránh bị bắt hàng hàng loạt và bị xử phạt nghiêm trọng, bọn buôn lậu thường xé lẻ hàng hóa, thuê người vận chuyển bằng xe máy vào nội địa tiêu thụ. Thậm chí họ sử dụng người dân làm “chim mồi” (người theo dõi) lực lượng chức năng để hàng hóa được tẩu tán trót lọt.
Với sự nỗ lực trong công tác phòng, chống buôn lậu và hàng cấm của các lực lượng chức năng thời gian qua đã phần nào góp phần ngăn chặn tình trạng này. Trong quý 1/2015, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 512 vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; xử lý 496 vụ, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2014. Theo đó trị giá hàng hóa thu giữ trên 4 tỷ đồng gồm: thuốc lá lậu, rượu ngoại, đường cát, phân bón.
Đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu, các lực lượng chức năng đã có kế hoạch mở nhiều đợt tấn công, kiểm soát trước trong và sau Tết Nguyên đán. “Tuy nhiên tình hình mua bán vận chuyển thuốc lá nhập lậu chưa có chiều hướng giảm. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết tăng cao nên các đối tượng vận chuyển để cung cấp nguồn hàng cho thị trường, sức hấp dẫn còn do lợi nhuận thu về từ thuốc lá lậu quá lớn”, ông Nguyễn Chí Bắc - Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết.
Theo lý giải của các ngành chức năng, lợi nhuận của thuốc lá nhập lậu chỉ đứng sau ma túy. Đơn giản như thuốc lá lậu do trốn thuế tiêu thụ đặc biệt 65%; thuế giá trị gia tăng 10%; thuế nhập khẩu 135% nên có thể bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước, với cùng chủng loại, cùng phân khúc.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, tại thị trường Việt Nam, hai nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero hiện chiếm trên 90% tổng khối lượng thuốc lá nhập lậu, Thị trường tiêu thụ khoảng 800 triệu bao/năm. Qua đó, gây thất thu khoảng 8.000 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh thuốc lá hợp pháp trong nước. Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá nhập lậu này không in thông tin cảnh báo nguy hại đến sức khỏe, vi phạm nghiêm trọng qui chế nhãn hiệu hàng hóa nhưng vẫn được lưu thông, chưa tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn nào về an toàn chất lượng của cơ quan y tế. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá, trực thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cho thấy, thuốc lá Jet và Hero mang độc tố cao Tar (19 đến 20g/điếu), Nicotine (1,9mg/điếu) gấp nhiều lần thuốc lá thông thường và trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Thực chất, Jet và Hero được sản xuất tại một công ty của Indonesia, được nhập lậu vào Việt Nam qua đường biên giới và không phải là một thương hiệu từ “phương Tây” như mọi người vẫn lầm tưởng.
Nhằm ngăn chặn tình hình thuốc lá nhập lậu ngày một gia tăng nhiều kiến nghị đề xuất là cần giảm số lượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ 1.500 gói xuống 500 gói sẽ bị xử lý hình sự, với mức phạt tối đa là 15 năm tù. Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Trương Văn Ba cho biết: “Tại Chỉ thị 350 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chống buôn lậu thuốc lá, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, các ngành, lực lượng chức năng để tiến hành chỉnh sửa chỉ thị, thông tư này. Không riêng gì về phía cá nhân tôi ủng hộ mà các Bộ, các ngành, lực lượng chức năng, địa phương đều ủng hộ, điều này sẽ giúp công tác chống thuốc lá lậu đạt hiệu quả cao”.
Vừa qua, Thường trực BCĐ 389 đã tiến hành tiêu hủy đợt 1 trên 500.000 gói thuốc lá nhập lậu. Đây là đợt tiêu hủy thuốc lá buôn lậu gian lận thương mại và thuốc lá giả qua biên giới lớn nhất được thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tính đến thời điểm hiện nay. Số thuốc lá lậu trên phần lớn là Hero và Jet.
Trong buổi tiêu hủy thuốc lá nhập lậu tại Đồng Tháp, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc đối ngoại, VPĐD B.A.T Marketing (Singapore) cho biết: “Việc tiêu hủy số lượng lớn thuốc lá lậu (542.000 gói) là một minh chứng cho tính hiệu quả của Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống thuốc lá lậu tại Việt Nam. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực cũng như quyết tâm của của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng như của BCĐ 389 tỉnh Đồng Tháp trong việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị 30. Chúng tôi cũng đồng tình với kiến nghị của BCĐ 389 giảm số lượng vận chuyển từ 1.500 gói thuốc lá xuống 500 gói sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu kiến nghị được thông qua thì có thể tăng cường tính răn đe và làm giảm vấn nạn nhập lậu thuốc lá vào Việt Nam trong thời gian tới”.
Năm 2015, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, trong đó mặt hàng thuốc lá sẽ được đặc biệt quan tâm...
K.D