Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình nông nghiệp ở huyện Tam Nông
Cập nhật ngày: 24/12/2022 18:02:56
ĐTO - Sáng ngày 24/12 Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, huyện Tam Nông đến thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tam Nông.
Đó là mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá, vịt; mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng hữu cơ. Các mô hình tuy không mới nhưng đúng với định hướng tái cơ cấu nông nghiệp mà tỉnh Đồng Tháp đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) gợi ý cho ông Lâm Trọng Nghĩa và ông Nguyễn Minh Tuấn một số cách làm để phát triển mô hình hơn nữa
Tổ hợp tác số 10 (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông) hiện có 820 thành viên, với tổng diện tích 467ha. Từ vụ đông xuân 2022 - 2023, Tổ hợp tác thực hiện mô hình lúa - cá - vịt, diện tích 20ha. Có 8 hộ nông dân tham gia mô hình này và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Mùa nước nổi vừa qua (tháng 7 âm lịch năm 2022), Tổ hợp tác trữ cá đồng vào ruộng, đến nay đã thu hoạch 6 - 7 tấn cá, giá trị khoảng 100 triệu đồng và đang tiếp tục thu hoạch.
Giống lúa được Tổ hợp tác sử dụng là ST25, sử dụng máy sạ cụm 50kg giống/ha, bón vùi phân hữu cơ trước khi xuống giống 350 kg/ha, hiện lúa được 25 ngày tuổi. Bên cạnh đó, Tổ hợp tác còn thả nuôi 600 con vịt để giảm bớt các loại sâu rầy và tăng thêm nguồn thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Ngoài ra, cung cấp các dịch vụ: Giống, phun thuốc bằng máy bay (Drone), máy sạ cụm, phân hữu cơ cho Tổ hợp tác là Công ty Cổ phần Nông nghiệp chính xác MAPA, với sự kết nối của kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông).
Ông Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao mô hình này và đề nghị ngành nông nghiệp quan tâm, hỗ trợ cho Tổ hợp tác, nhất là phân tích chất lượng đất để xác định chính xác các dưỡng chất, thành phần trong đất, giúp cho việc canh tác hiệu quả hơn; ứng dụng trạm bơm thông minh, đầu tư đê bao lửng để trữ cá, điều tiết thủy lợi cũng là giải pháp giúp Tổ hợp tác làm tốt mô hình hơn nữa.
Điểm nổi bật tại Tổ hợp tác số 10 này đó chính là có sự tham gia của đội ngũ trí thức, có kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình như Lâm Trọng Nghĩa, Nguyễn Minh Tuấn (nông dân tham gia mô hình). Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đề nghị huyện Tam Nông phải phát huy được lực lượng này để kích hoạt hơn nữa những cách làm sáng tạo, lan tỏa chủ trương ứng dụng công nghệ vào đồng ruộng.
Tại xã Phú Thành A, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa còn thăm hỏi tình hình phát triển kinh tế của xã và nắm bắt hoạt động của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Thành. Đây là một trong 3 hợp tác xã tại Phú Thành A.
Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị Hợp tác xã xác định rõ phương hướng phát triển trong thời gian tới, trong đó có mở thêm các dịch vụ (hiện chỉ có bơm tưới, tín dụng nội bộ) để thành viên Hợp tác xã thấy được lợi ích khi tham gia kinh tế tập thể. Nâng cao năng lực, khẳng định uy tín để mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp trong cung cấp vật tư, tiêu thụ lúa…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ phải sang) trao quà, động viên, khích lệ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Thành
Đến thăm mô hình trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ tại thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các ngành, địa phương không khỏi bất ngờ khi trên nền đất lúa, trước đây nhiều phèn nay lại phát triển loại cây ăn trái đặc sản, giá trị cao.
Đó là mô hình của ông Nguyễn Thanh Tâm, một kỹ sư chuyên ngành Bệnh học Thủy sản, từng là giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ. Tháng 4/2018, ông Tâm bắt đầu trồng sầu riêng, với diện tích 1,2 ha (215 gốc sầu riêng giống RI6 và Monthong), đã đăng ký mã vùng trồng. Sầu riêng đã cho trái chiến (lứa trái đầu tiên) vào tháng 4/2021, sản lượng 7,5 tấn. Dự kiến sẽ thu hoạch trái đợt 2 vào giữa tháng 1/2023, ước tính năng suất đạt từ 12 - 15 tấn.
Ông Nguyễn Thanh Tâm (bìa trái) chia sẻ quy trình canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ
Trên địa bàn huyện Tam Nông ước tính có trên 100ha trồng sầu riêng. Để chia sẻ kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng lẫn nhau, ông Tâm và 21 nông dân khác cùng tham gia Tổ nghề nghiệp Trồng sầu riêng tại thị trấn Tràm Chim. Tổ hoạt động định kỳ hằng tháng và dự kiến phát triển thành Hội quán trong tháng 1 năm sau.
Ông Nguyễn Thanh Tâm thông tin đến Chủ tịch UBND tỉnh về mong muốn được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng diện tích sản xuất do chi phí đầu tư lớn; kiến nghị đầu tư hạ tầng giao thông để phát triển du lịch tại các vườn sầu riêng trên địa bàn.
Nguyệt Ánh