Phát triển ngành hàng lúa gạo hiện đại, bền vững, phát thải thấp
Cập nhật ngày: 20/12/2022 15:07:31
ĐTO - Trước thềm phiên toàn thể của Diễn đàn Mekong Startup lần thứ I - năm 2022, sáng ngày 20/12 diễn ra phiên thảo luận chuyên đề “Chuyển đổi chuỗi lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp”. Tham dự có lãnh đạo Cục Trồng trọt, đại diện lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp sản xuất, chế biến lúa gạo trong và ngoài tỉnh…
Quang cảnh tại phiên thảo luận
Theo Cục Trồng trọt, lúa gạo là một trong những sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, sự đồng hành của các địa phương giúp ngành hàng lúa gạo phát triển về chất lượng và sản lượng, hình thành chuỗi giá trị, mang lại nhiều sinh kế người dân. Ngoài ra, ĐBSCL đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất cả nước, khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên ngành hàng này đang được trước nhiều thách thức bởi biến đổi khí hậu, chi phí đầu vào cao, quy trình canh tác cũ và chưa tận dụng hết các phụ phẩm, giá trị gia tăng sau gạo...
Trước những thách thức đó, tại phiên thảo luận, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI chia sẻ về nội dung “Nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo chống chịu biến đổi khí hậu, phát thải thấp; những bài toán đổi mới sáng tạo cần đặt ra”.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, các vấn đề chính trong sản xuất lúa gạo, hiệu quả thấp và phát thải cao là do xâm nhập mặn và hạn hán; lượng giống sử dụng cao và lạm dụng hoá chất nông nghiệp. Bên cạnh đó, quản lý nước cho lúa còn chưa tối ưu, hiệu quả; thất thoát sau thu hoạch cao; tập quán đốt rơm rạ ngay tại ruộng hay vùi rơm trên ruộng ngập nước. Các yếu tố trên đều dẫn tới phát thải khí nhà kính cao.
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng định hướng và đề xuất phát triển chuyển đổi sản xuất lúa gạo bền vững và phát thải thấp, đó là nhân rộng các mô hình tích hợp lúa hiện đại và phát thải thấp được thí điểm bởi IRRI với các công ty tư nhân và tổ chức nông dân; phát triển đồng bộ công nghệ và thiết bị phù hợp cho điều kiện sản xuất ở Việt Nam (đất, nước, cơ giới hóa, sau thu hoạch…); thiết lập và điều phối diễn đàn trao đổi kiến thức bao gồm các chuyên gia đầu ngành, các tổ chức nông nghiệp quốc tế, trong nước và liên minh học tập giữa các nước về sản xuất lúa gạo bền vững…
Với những kinh nghiệm về sản xuất lúa gạo sạch, đại diện Tập đoàn Trung An chia sẻ về một số giải pháp bước đầu và hành động ưu tiên để kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo trong chuỗi lúa gạo tại ĐBSCL nhằm đạt mục tiêu hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp.
Theo doanh nghiệp, để đổi mới sáng tạo trong chuỗi lúa gạo tiến đến đạt mục tiêu hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Đây là phương thức sản xuất tiến bộ, giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất của ngành hàng lúa gạo Việt Nam hiện nay. Qua đó, tạo ra được những sản phẩm gạo có chất lượng tốt, bán được giá cao, cạnh tranh được với hàng hóa của các nước trên thế giới trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Theo doanh nghiệp, trên hành trình đó, đơn vị đề xuất Ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay đủ để đầu tư xây dựng cánh đồng lớn liên kết. Bởi trong mối liên kết này, doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính về nguồn vốn để đáp ứng cho các công đoạn của chuỗi liên kết.
Tại phiên thảo luận còn trao đổi về các giải pháp kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo trong chuỗi lúa gạo ĐBSCL. Theo các chuyên gia, ngành hàng lúa gạo còn nhiều dư địa cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khai thác, phát huy các giá trị gia tăng từ ngành hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp lớn cũng chia sẻ việc đầu tư, liên kết, tạo điều kiện cho các startup tham gia trực tiếp vào chuỗi ngành hàng để cùng nhau khai thác giá trị gia tăng, hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo…
Y DU