Hướng tới nền “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”

Cập nhật ngày: 19/12/2022 05:50:39

http://baodongthap.com.vn/database/video/20221219060108mobifone_audio_1671404442040.mp3

 

ĐTO - Diễn đàn Mekong Startup - Lần I năm 2022 do UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mang đến nhiều sự kỳ vọng về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Đồng Tháp và của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đồng thời góp phần vào định hướng giải quyết những thực trạng về biến đổi khí hậu mà Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt, hướng tới nền “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”.


Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Trước sự kiện này, Phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn.

PV: Đồng Tháp là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ. Ông vui lòng cho biết những kết quả nổi bật về tình hình khởi nghiệp nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Từ năm 2016, khi Thủ tướng Chính phủ xác định là Năm Quốc gia khởi nghiệp, tỉnh đã phát động các chương trình khởi nghiệp, nhằm khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong cộng đồng xã hội, với mục tiêu đưa tỉnh Đồng Tháp trở thành “địa phương khởi nghiệp”.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trong đó, tập trung cho công tác giáo dục, đào tạo nghề để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng lao động địa phương. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, lao động nông thôn.

Đặc biệt là tỉnh tổ chức các cuộc thi ý tưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở các cấp, tạo thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Hằng năm, cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” cho học sinh trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiếp nhận hơn 1.500 bài dự thi. Cuộc thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh cũng tiếp nhận hơn 100 hồ sơ dự án. Trong đó, có rất nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, mang tính khả thi cao nhằm phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa và giải quyết những vấn đề của cộng đồng, xã hội. Đáp ứng nhu cầu thực tế, nhiều dự án khởi nghiệp của tỉnh đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi khởi nghiệp cấp khu vực và Quốc gia.

Điều tôi cũng cảm thấy rất vui và tự hào là sự kết nối giữa những bạn trẻ khởi nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ của doanh nghiệp (DN) đi trước đối với các dự án khởi nghiệp. Các Hiệp hội - Hội - Câu lạc bộ DN của tỉnh thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm và tham gia cố vấn cho các dự án khởi nghiệp. Hướng đến sự phát triển, các bạn khởi nghiệp còn hợp tác thành lập Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp, Hội ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp để cùng “làm chung, bán chung”, tận dụng nguồn lực với tinh thần “muốn đi xa là phải đi cùng nhau”.

Cùng với đó, Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng lan tỏa trên địa bàn tỉnh, khơi dậy tinh thần vươn lên khởi nghiệp sáng tạo sản xuất, kinh doanh trong các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 265 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đạt 3 sao và 4 sao từ các sản phẩm khởi nghiệp. Có thể nói, các dự án khởi nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp là đối tượng có nhiều tiềm năng để củng cố và phát triển lực lượng DN trên địa bàn tỉnh. Kết quả trong năm 2022, Đồng Tháp có 700 DN thành lập mới.

PV: Hiện nay, nhiều DN đang đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điều này tác động như thế nào đối với sự phát triển ngành nông nghiệp và phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nhà, thưa ông?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Nông nghiệp vẫn luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần ổn định đời sống Nhân dân. Do đó, việc các DN trong cả nước đang đẩy mạnh chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là một điều tất yếu, góp phần tạo lực đẩy cho sự phát triển vượt bậc về cả chất và lượng trong quá trình nuôi trồng và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Tại Đồng Tháp, sự tham gia đầu tư của các DN vào lĩnh vực này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ số, tự động hóa, quản trị tiên tiến, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực (lúa, cá tra, hoa kiểng, xoài, sen) và các ngành hàng có tiềm năng, hình thành và phát triển bền vững các vùng sản xuất nông thủy sản quy mô tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị của từng loại sản phẩm. Qua đó, từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Từ đó, tạo lập môi trường cạnh tranh thuận lợi và bình đẳng trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, của các tập đoàn lớn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh việc các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tôi đặc biệt ấn tượng với việc các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ mang tri thức, sức trẻ và tâm huyết của mình vào quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn và gia tăng giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, phế phẩm nông nghiệp. Có thể kể đến các dự án tiêu biểu  như: bạn Ngô Chí Công, thạc sĩ Hóa du học từ Pháp về quê để phát triển các sản phẩm từ sen và khởi xướng thành lập Hiệp hội ngành hàng Sen của tỉnh; hai chị em Huỳnh Thị Thanh Nhàn và Huỳnh Thị Thì Nhớ, tốt nghiệp đại học tại TP HCM và quay trở về quê nhà để thực hiện ước mơ khởi nghiệp trồng nấm; bạn Võ Thanh Beo mạnh dạn đầu tư khu vườn công nghệ cao để trồng và chế biến các dòng sản phẩm từ rau má... Mặc dù còn gặp không ít những khó khăn, nhưng tôi luôn nhận thấy sự tự tin, nỗ lực vượt khó và cùng niềm tự hào khi gặp gỡ, trao đổi với các bạn. Từ đó, giúp tôi luôn vững tin cho sự phát triển của quê hương Đất Sen hồng với một nền nông nghiệp hiện đại, sinh thái.

PV: Để hỗ trợ DN, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, tỉnh có những chính sách hỗ trợ như thế nào?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Nhằm hỗ trợ DN, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025 tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cả về tổng thể và mang tính đặc thù của địa phương. Cụ thể là đầu năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 31/KH-UBND về phát triển DN và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển DN cả về số lượng, năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững gắn với các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh; chú trọng phát triển DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo; công nghệ gắn với kinh tế tuần hoàn để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa

Về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 20/11/2020 về Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025; Chính sách hỗ trợ hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp (Quyết định 52/2016/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định một số nội dung và mức chi cho hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh) hỗ trợ DN, hợp tác xã quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm; hỗ trợ các đơn vị xây dựng các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm, bán hàng và kho trung chuyển hàng hóa ngoài tỉnh.

Đặc biệt là UBND tỉnh thống nhất chủ trương thí điểm thành lập Không gian làm việc chung Hỗ trợ DN và Khởi nghiệp tại Tòa nhà Khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời đang hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng Không gian Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp nhằm mục tiêu hình thành khu dịch vụ tập trung hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh, thực hiện vai trò kết nối, hợp tác, huy động các nguồn lực, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, cung cấp dịch vụ hỗ trợ DN khởi nghiệp để hoàn thiện, phát triển sản phẩm, kết nối thị trường...

PV: Đồng Tháp đặt kỳ vọng như thế nào về Diễn đàn Mekong Startup - Lần I năm 2022 với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, thưa ông? Đặc biệt là việc chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế tỉnh nhà?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Được sự ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn đăng cai tổ chức Diễn đàn Mekong Startup Lần I - năm 2022 dành cho khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ đề: “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”. Đây là những nội dung trọng tâm cho bài toán chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững để tạo bứt phá cho kinh tế vùng. Đồng thời cụ thể hóa chủ trương “Phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”; thực hiện mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh cho khu vực ĐBSCL theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, đây không phải là bài toán có thể giải quyết trong ngắn hạn hay nhiệm vụ của chỉ riêng một địa phương, một tổ chức, cá nhân nào. Hành trình này đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay, đồng lòng của cả khu vực, các cấp chính quyền, tổ chức xã hội, DN và cả cộng đồng; huy động cả nguồn lực công và tư, trong và ngoài nước. Do vậy, Diễn đàn được Đồng Tháp tổ chức ở quy mô cấp vùng với sự tham gia chủ trì của cấp Chính phủ, Bộ - ngành Trung ương, sự đồng hành của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, các đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế; các DN dẫn đầu và các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ ứng dụng.

Theo đó, chúng tôi kỳ vọng Diễn đàn Mekong Startup - Lần I năm 2022 sẽ là nơi để các DN khởi nghiệp có dịp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động kết nối đầu tư, giới thiệu - quảng bá sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp từ các DN dẫn đầu. Đặc biệt là trao đổi, đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, Bộ - ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ những điểm nghẽn, giúp phục hồi và phát triển phù hợp với xu thế của thế giới.

Diễn đàn còn là nơi để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, DN chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm quý báu, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi cho hoạt động đổi mới sáng tạo; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và DN về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhằm mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, dịch vụ điển hình từ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khu vực ĐBSCL.

Đây còn là dịp kết nối nguồn lực trong và ngoài nước, kết nối các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển, quảng bá, tạo cơ hội tiếp cận vốn/nhà đầu tư cho các sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ hỗ trợ của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Những nội dung, hoạt động của Diễn đàn đều nhằm giúp các startup phát huy vai trò, vị trí, cất lên tiếng nói để tháo gỡ các điểm nghẽn, đề xuất những giải pháp và phát triển công nghệ mới nhằm phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, đáp ứng được nhu cầu và đón đầu xu thế phát triển của thế giới.

Diễn đàn được tỉnh kỳ vọng sẽ là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực của cả khu vực công và khu vực tư nhân; là nơi kết nối, hợp tác, thúc đẩy và gắn kết các xu hướng đổi mới sáng tạo với các mô hình kinh doanh truyền thống của vùng để tạo ra các lợi thế cạnh tranh mới cho DN và phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và cả khu vực ĐBSCL.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH DUY (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn