Đồng Tháp
Hành trình xây dựng “địa phương khởi nghiệp”
Cập nhật ngày: 19/12/2022 14:11:17
ĐTO - Qua hơn 6 năm nỗ lực xây dựng “địa phương khởi nghiệp”, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), hoạt động khởi nghiệp (KN) trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Cuộc thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mở ra những cơ hội kết nối, hướng đi mới trên hành trình khởi nghiệp của thanh niên
Từ nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp...
Tỉnh Đồng Tháp xây dựng hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo (ĐMST) từ năm 2016, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số 844/QĐ-CP ngày 15/6/2016 về việc “Thúc đẩy hệ sinh thái KN ĐMST quốc gia đến năm 2025”. Khi đó, phong trào KN ở Đồng Tháp còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, xác định việc KN không phải chạy theo phong trào mà cần thực hiện phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, tỉnh cũng bắt đầu từ nâng cao nhận thức, tinh thần KN, trang bị những kiến thức khởi điểm để giúp các dự án (DA) phát triển bền vững và hiệu quả.
Theo đó, để tạo lập và lan tỏa văn hóa KN sâu rộng, ngoài đẩy mạnh công tác phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển DN, KN, các ngành liên quan đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho DN, Nhân dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh để tạo sự đồng thuận, chuyển biến trong nhận thức, tham gia KN, nhờ đó mà tinh thần KN luôn được hun đúc và lan tỏa.
Tỉnh cũng chú trọng công tác truyền thông trong học đường về KN. Từ năm 2017 đến nay, các chương trình nói chuyện chuyên đề KN được tổ chức lồng ghép vào sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa; diễn đàn, hội thảo hướng nghiệp, tư vấn KN, nghiên cứu khoa học từ kết quả KN; các hoạt động kết nối với DN... tạo sân chơi lành mạnh bổ ích, giúp học sinh vận dụng linh hoạt kiến thức đã học vào thực tiễn, tạo thêm tư duy tích cực khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời khơi dậy những ý tưởng KN trong tương lai.
Nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ du lịch góp phần phát triển ngành du lịch tỉnh nhà
Đặc biệt, Cuộc thi KN và ĐMST được tổ chức hàng năm là sân chơi bổ ích thu hút đông đảo thanh niên tham gia và là nguồn động lực, cổ vũ tinh thần và mở ra những cơ hội kết nối, hướng đi mới trên hành trình KN của thanh niên. Đến nay, qua 4 lần tổ chức cuộc thi KN cấp tỉnh (từ năm 2017 đến nay), 1 cuộc thi theo cụm trong tỉnh thu hút nhiều DA KN trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia. Qua các cuộc thi đã định hướng, bồi dưỡng, giới thiệu 78 DA khả thi tham gia cuộc thi DA KN sáng tạo thanh niên nông thôn do Ban Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn tổ chức hàng năm; kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, tổ chức đoàn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận vốn, kết nối cộng đồng KN...
Bước ra từ Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức, những cái tên như: Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Tinh Dầu Hương Đồng Tháp; Nước mắm cá linh Dì Mười; Cơ sở sản xuất khô trâu Quang Hiển... đã và đang trở nên quen thuộc và từng bước khẳng định vị trí trong cộng đồng DN trẻ của tỉnh.
Thanh niên trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của mình
...Đến sự kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp
Cùng với cuộc thi KN, Đồng Tháp tập trung mạnh mẽ vào hoạt động kết nối, hỗ trợ KN từ các Câu lạc bộ (CLB) DN, hợp tác xã thanh niên. Trong đó, CLB DN dẫn đầu, Hội Doanh nhân trẻ được xem là nơi hỗ trợ, cố vấn cho các DA KN khá hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động hỗ trợ KN phát triển và lan tỏa đến các trường đại học, cao đẳng, cộng đồng doanh nhân trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh có 28 CLB KN tại các trường học; 162 CLB thanh niên làm kinh tế (100% xã, phường, thị trấn đều có CLB); 216 tổ hợp tác thanh niên, 2 hợp tác xã thanh niên, 1 trang trại thanh niên thu hút trên 1.440 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia lao động. Các CLB này góp phần tạo môi trường cho các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên được giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức, chia sẻ ý tưởng, định hướng nghề nghiệp, từng bước gắn kết học tập vào trải nghiệm thực tế...
Đồng Tháp cũng tạo điều kiện, cơ hội giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các DN KN thông qua các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kết nối các DN xuất khẩu thủy sản, nông sản, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại để hỗ trợ thu mua và phân phối đối với mặt hàng nông sản thế mạnh của Đồng Tháp; hỗ trợ, kết nối cho các DN, DA KN tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm, quảng bá tại các trung tâm giới thiệu nông sản, đặc sản, du lịch ở các tỉnh, thành trong nước; đẩy mạnh hỗ trợ các DN ứng dụng các nền tảng số; xúc tiến thương mại qua các sàn giao dịch thương mại điện tử: Tiki, Sendo, Shopee, Lazada, Voso và Postmart…
Đặc biệt, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa và Hỗ trợ KN tỉnh, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn từ quỹ để đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và bảo vệ môi trường...
Có thể nói, chính sự hỗ trợ của các nguồn lực bên ngoài, cùng nội lực bên trong giúp phong trào KN trong thanh niên Đồng Tháp có bước phát triển lớn, tạo cơ hội nghề nghiệp, việc làm, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh. Cụ thể, giai đoạn 2019-2021, ghi nhận 263 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao – 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP được hoàn thiện trên nền tảng các sản phẩm KN. Các DA KN, ý tưởng KN là đối tượng có nhiều tiềm năng để phát triển lực lượng DN trên địa bàn tỉnh, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Khởi nghiệp từ sen thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ Đồng Tháp
Để khởi nghiệp không chỉ là phong trào
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, KN như một “làn sóng” đang có sức lan tỏa, thu hút mạnh mẽ thanh niên, Nhân dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Nhiều dòng sản phẩm mới ra đời tận dụng nguồn tài nguyên bản địa, hướng đến đổi mới mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, tư duy, nhận thức về KN trong thanh niên đã có nhiều thay đổi, nhiều bạn trẻ dám dấn thân, đương đầu với thử thách để mở ra nhiều cơ hội phát triển bản thân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào KN trong thanh niên tỉnh Đồng Tháp cũng còn nhiều khó khăn, thử thách, tồn tại, hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiêm túc nhìn nhận, trăn trở. Những khó khăn có thể kể đến đó là, số lượng DA KN phát triển được còn khá khiêm tốn; DA KN đổi mới sáng tạo có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp - một thế mạnh của Đồng Tháp; sự chủ động, tính chuyên nghiệp của người hỗ trợ KN và người KN còn hạn chế; số DA KN phát triển thành DN để mở rộng, gia nhập thị trường lớn chưa nhiều...
Trao đổi với báo chí vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, tỉnh không mục tiêu quá tầm với mà chia ra từng giai đoạn với những giải pháp khả thi để phát triển hệ sinh thái KN. Đồng Tháp quan tâm đến việc phát huy tài nguyên bản địa, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để làm được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần sự đồng hành của người đứng đầu các ngành, các địa phương; khơi dậy và phát huy vai trò đồng hành, kết nối của các Hiệp hội, Hội, CLB để từ đó xây dựng được cộng đồng KN tại các địa phương. Mặt khác, tỉnh mong muốn các mô hình KN của thanh niên sẽ được nhân rộng và phát huy hơn nữa. Đây sẽ là đòn bẩy cho những bước đầu kết nối các nguồn lực ở địa phương, tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh không chỉ trong thanh niên, mà còn trong các cá nhân, DN đã, đang KN trong tỉnh.
“Đồng Tháp luôn đồng hành cùng DN, nhất là các DN KN để cùng phát triển, xây dựng một địa phương KN” - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa khẳng định.
MN