Chuyển đổi chuỗi trái cây đồng bằng sông Cửu Long tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp
Cập nhật ngày: 20/12/2022 13:39:02
Đây là chủ đề của phiên thảo luận do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào ngày 20/12, tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh Đồng Tháp. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn Mekong Startup - Lần I năm 2022.
Quang cảnh buổi tọa đàm “Chuyển đổi chuỗi trái cây đồng bằng sông Cửu Long tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp”
Tham dự phiên thảo luận có đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trái cây và đông đảo bạn trẻ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 12/ 2022, sản lượng 12 loại cây ăn trái chủ lực tại vùng ÐBSCL gồm: thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, quýt, khóm, sầu riêng, nhãn, chôm chôm và mãng cầu ước đạt hơn 360.000 tấn, nâng tổng sản lượng cả năm 2022 ước đạt 4,15 triệu tấn. Thời gian qua, nhiều mặt hàng trái cây của của khu vực không ngừng nâng cao vị thế cả thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm trái cây chủ lực của các tỉnh ĐBSCL không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu mạnh ở nhiều thị trường lớn của thế giới như: Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Với việc áp dụng công nghệ sơ chế sau thu hoạch, sản phẩm xoài Đồng Tháp đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới
Bên cạnh những tín hiệu tích cực thì ngành hàng trái cây của các tỉnh ĐBSCL cũng đang đối mặt với nhiều hạn chế và thách thức. Phát biểu tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Bùi Hồng Quân – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Vinamit phân tích, hiện nay phần lớn sản lượng trái cây được sản xuất tại khu vực ĐBSCL vẫn còn ở dạng tiêu thụ tươi là chủ yếu, sản lượng dành cho chế biến vẫn còn rất hạn chế, trở thành điểm yếu của hoạt động kinh doanh trái cây của các địa phương này. Đối với nhiều loại trái cây, do thời gian bảo quản ngắn, dễ hư hỏng, tỷ lệ hư hỏng cao, điều kiện sơ chế và công nghệ sau thu hoạch kém nên gây nhiều bất tiện cho người trồng và người kinh doanh trái cây…
Song song đó, nhiều diễn gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, chính sự thiếu liên kết, sản xuất chưa gắn kết được với thị trường tiêu thụ, thiếu đầu tư công nghệ vào khâu sơ chế, chế biến là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho ngành hàng trái cây của ĐBSCL chưa phát huy hết được tiềm năng và lợi thế.
Bên cạnh đi sâu phân tích những “điểm nghẽn” của chuỗi ngành hàng, các chuyên gia, cũng chia sẻ nhiều giải pháp để chuỗi ngành hàng trái cây ĐBSCL phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Theo bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất – Nhập khẩu Chánh Thu, đã đến lúc cần định vị lại sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, trước mắt cần lựa chọn ra 5 sản phẩm trái cây là thế mạnh, có tiềm năng cao để xây dựng chiến lược phát triển thành đại điện cho thương hiệu trái cây Việt Nam, làm tiền đề để phát triển sản phẩm “Made in Vietnam” trong 5 năm tới, có thể là sầu riêng, xoài, bưởi, chanh dây, dừa.
“Để phát triển thương hiệu trái cây “Made in Vietnam”, cần dựa trên 4 trụ cột chính: nông nghiệp tử tế, nông nghiệp sáng tạo, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp bền vững. Trong đó, nông nghiệp tuần hoàn là mấu chốt quan trọng góp phần hỗ trợ khó khăn cho DN hiện tại cũng như giảm đi các áp lực về môi trường ở mỗi địa phương, nâng cao được giá trị sản phẩm cho nông dân” - bà Ngô Tường Vy khuyến nghị.
Dịp này, đại biểu cũng được nghe bà Lê Thị Thanh Thảo - Giám đốc quốc gia Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam giới thiệu về cách quản lý và kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng và ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn chuỗi cung ứng (Koltitrace); xây dựng và số hóa quy trình thao tác chuẩn (SOPs) trong sản xuất và xuất khẩu xoài; mô hình bảo quản, đóng gói và xuất khẩu; công nghệ mới về xử lý sau thu hoạch sử dụng fludioxonil.
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Giám đốc quốc gia Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm
Một số DN cũng bày tỏ, để chuỗi ngành hàng trái cây của ĐBSCL “cất cánh”, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của DN còn có sự nỗ lực không ngừng của người nông dân. Bên cạnh các giải pháp truyền thống thì hiện nay việc đầu tư cho chế biến sâu và khai thác tốt kênh thương mại điện tử là giải pháp mà các tỉnh ĐBSCL cũng cần quan tâm đẩy mạnh.
MỸ LÝ