Huyện Lấp Vò
Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP
Cập nhật ngày: 23/07/2023 05:12:33
ĐTO - Những năm qua, huyện Lấp Vò quan tâm phát triển những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân. Đây được xem là những yếu tố quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hộ kinh doanh khô cá Ngọc Diệp chú trọng đầu tư công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất khô cá tra phi lê (Ảnh: Mỹ Nhân)
Theo báo cáo của UBND huyện Lấp Vò, tính đến tháng 4/2023, toàn huyện có 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao (29 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao).
Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lấp Vò triển khai nhiều giải pháp tập trung chỉ đạo, điều hành Chương trình OCOP thông qua xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn, từng năm với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện phân công thành viên phụ trách địa bàn, nắm bắt tình hình thực hiện ở các xã, thị trấn, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP phù hợp với lợi thế, điều kiện của từng địa phương.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lấp Vò kết hợp với các sở, ngành tỉnh triển khai đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp; lãnh đạo tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Cùng với đó, hỗ trợ, tham quan học tập kinh nghiệm tại các nơi triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn thực hiện các dự án chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất và công nghệ sau thu hoạch (sơ chế, chế biến, bảo quản) nhằm tăng hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm.
Huyện Lấp Vò hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời xây dựng dữ liệu, ứng dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho từng sản phẩm).
Ngoài ra, huyện đã thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện để tổ chức đánh giá sản phẩm theo quy định; đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn kết chặt chẽ trong các chuỗi sản phẩm OCOP, nhằm tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm OCOP, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường...
Để nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo ra sản phẩm mới phục vụ thị trường, từ năm 2019 đến nay, chị Phan Thị Thúy Lan ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò quyết định khởi nghiệp từ sản phẩm khô cá tra phi lê. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, chị Lan mạnh dạn đầu tư máy sấy, máy hút chân không, làm sản phẩm cá tra phi lê. Nhằm mở rộng thị trường, ngoài việc tăng cường sản xuất, chị còn hoàn chỉnh các khâu đăng ký nhãn hiệu, bao bì, đóng gói để tiến tới giới thiệu, đưa sản phẩm vào các kênh siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Chị Phan Thị Thúy Lan, cho biết: “Để nâng cao giá trị cho sản phẩm, địa phương hỗ trợ tôi phát triển sản phẩm khô cá tra phi lê theo Chương trình OCOP. Với đòn bẩy đó, bình quân mỗi tháng, cơ sở bán ra thị trường hàng trăm ký khô cá tra phi lê, giúp cho kinh tế của gia đình ngày càng phát triển”.
Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP cho doanh nghiệp, chủ thể sản xuất, hợp tác xã. Trong đó, thực hiện chương trình OCOP phù hợp với phát triển vùng nguyên liệu nhằm phát huy giá trị truyền thống của làng nghề; tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện chương trình OCOP; phối hợp sở, ngành tỉnh quảng bá, xúc tiến thương mại trên các kênh thương mại điện tử...”.
NHẬT NAM