Huyện Hồng Ngự

Chủ trương xả lũ ở những đê bao khép kín

Cập nhật ngày: 15/05/2017 10:45:47

ĐTO - Trong vụ sản xuất năm 2017, huyện Hồng Ngự có chủ trương xả lũ ở những đê bao khép kín sau khi thu hoạch lúa hè thu. Chủ trương này đang được người dân địa phương đồng tình.


Nông dân sản xuất lúa hè thu với chi phí tăng cao

Năng suất lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong một vài vụ trở lại đây đang giảm rõ rệt so với những vụ trước.

Theo ngành chức năng, bên cạnh yếu tố thời tiết thì việc sản xuất liên vụ không xả lũ khiến đất bị bạc màu, tích tụ mầm bệnh cũng làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Để giải quyết vấn đề này, trong vụ sản xuất năm 2017, huyện Hồng Ngự có chủ trương xả lũ ở những đê bao khép kín sau khi thu hoạch lúa hè thu. Chủ trương này đang được người dân địa phương đồng tình.

Sau hơn 5 năm làm đê bao tăng vụ, khép kín sản xuất, khu đê bao 2.600ha sản xuất của 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự đang đối mặt với nhiều bất cập từ lịch thời vụ, sâu bệnh gây hại làm giảm năng suất lúa sau mỗi vụ thu hoạch.

Tính đến vụ hè thu năm nay, nông dân ở cánh đồng này đã sản xuất liên tục 16 - 17 vụ. Thực trạng 1 cánh đồng 2 trà lúa liên tục diễn ra trong nhiều vụ sản xuất trước sẽ là môi trường thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh cũng như ốc bươu vàng, chuột lưu trú gây hại và đẩy giá thành sản xuất lên cao.

Ông Lê Văn Biền ở xã Thường Thới Tiền cho biết:“Làm liên tục vậy thì chuột cắn phá, mưa gió, không thuận lợi cho dân, đất bị cằn cỗi, không phì nhiêu nên phát sinh sâu bệnh, tốn hao đủ thứ. Phải xả lũ 1 vụ thì 2 - 3 mùa sau sẽ đỡ, chứ làm liên tục hoài thì đất chai như đất sét, lúa lên chỉ nhờ phân”.

Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hồng Ngự cho biết: “Trong những vụ sản xuất vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều trường hợp người dân tranh thủ tăng vòng quay của đất để sản xuất liên tục nên xảy ra trường hợp đất bị ngộ độc hữu cơ như ở 2 xã Long Khánh A và Long Khánh B, mới đây là xã Thường Phước 1”.

Đây cũng là tình trạng chung của các đê bao khép kín trong huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, vụ đông xuân vừa qua năng suất lúa ở một số tỉnh ĐBSCL giảm mạnh, trong đó tỉnh Đồng Tháp giảm 1,1 tấn/ha tương đương 16,5% năng suất, kế đến là Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long (so với vụ đông xuân năm 2016). Do vậy, chủ trương xả lũ trong bối cảnh này của huyện Hồng Ngự được các xã cũng như nông dân rất đồng tình. Trong đó việc tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt 3 đợt từ ngày 15/3 - 25/4 âm lịch sẽ là tiền đề thuận lợi để đảm bảo chủ trương xả lũ vào ngày 5/9/2017 (tức 15/7 âm lịch) theo kế hoạch của huyện.

Ông Hồ Văn Nhơn - Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết: “Địa phương chỉ đạo Hợp tác xã đến thời điểm này xuống giống cơ bản dứt điểm vụ hè thu theo kế hoạch của huyện. Riêng về xả lũ, địa phương cũng thông tin rộng rãi trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thông qua họp chi tổ hội và thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh nên đa số người dân đồng tình”.

Hiện nông dân đã xuống giống được trên 9.000ha lúa hè thu, tập trung chủ yếu ở các xã Lục Thường. Theo kế hoạch năm 2017, huyện Hồng Ngự sẽ tiến hành xả lũ đón phù sa sông Tiền ở các khu đê bao 2.600ha của 2 xã Thường Phước 2, Thường Thới Tiền, khu 3.200ha của 3 xã Long Phú Thuận và đê bao 2 xã Long Khánh A, Long Khánh B với diện tích trên 6.000ha (chiếm hơn 50% diện tích canh tác của huyện).

Ông Nguyễn Văn Buôn cho biết thêm: “Để triển khai kế hoạch xả lũ, khi thu hoạch lúa đông xuân, Phòng tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2017 và kế hoạch, lịch xuống giống những vụ tiếp theo. Sau khi đã có Kế hoạch số 53 của UBND huyện, các xã đã tiến hành họp dân, đa số dư luận xã hội rất đồng tình”.

Chủ trương xả lũ đón phù sa ngoài việc giúp đất được phục hồi, cắt đứt mầm bệnh còn giúp địa phương điều chỉnh lịch thời vụ canh tác. Bởi thực tế trong những năm qua, các ô bao khép kín của huyện vẫn hay tồn tại tình trạng sản xuất gối vụ, xuống giống không đồng loạt. Thực trạng này gây nhiều khó khăn cho việc liên kết sản xuất ở 2 cánh đồng lớn nhất nhì của tỉnh Đồng Tháp.

Minh Thi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn