Chuẩn bị ngư cụ đón lũ

Cập nhật ngày: 08/08/2014 05:05:23

Thời điểm này, tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự mực nước lên cao trên 2m. Cánh đồng 2 xã biên giới Thường Thới Hậu A, B bắt đầu xả lũ. Nước tràn đồng cũng là thời điểm bà con nông dân chuẩn bị ngư cụ đánh bắt cá mưu sinh trong mùa nước nổi.


Ông Lâm Văn Độ chuẩn bị các tay lưới

Kết thúc vụ lúa hè thu, hầu hết nông dân 2 xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự bắt đầu đón lũ với nhiều ngư cụ: câu, lưới, lọp, lờ... Những sản vật cá, tôm, cua, ốc đánh bắt được từ thiên nhiên không chỉ làm sung túc thêm bữa cơm gia đình, mà đối với nhiều hộ còn là sinh kế trong mùa lũ. Ông Nguyễn Văn Phụng ở ấp Bình Hòa Thượng, xã Thường Thới Hậu A đã gắn bó với nghề câu lưới trên chục năm qua. Khi nước lũ thượng nguồn bắt đầu đổ về, ông chuẩn bị ngư cụ đánh bắt cá, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ông Phụng nói: “Ở đây vào mùa lũ người dân sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản đánh bắt được. Tôi chuẩn bị 3 tay lưới và 1 cái chày. Mong rằng lũ năm nay đem về nhiều nguồn cá”.

Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Lâm Văn Độ ở ấp Bình Hòa Hạ xã Thường Thới Hậu B vẫn không quên đón lũ bằng chục tay lưới. Ông Độ cho biết, dù tuổi cao nhưng với ông lũ luôn gắn liền với những chuyến đánh bắt thủy sản mà thiên nhiên ban tặng. Theo ông, những năm gần đây khi sản vật lũ mang về ngày càng ít, bản thân ông đã ý thức việc đánh bắt phải kèm với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên các dụng cụ đánh bắt được ông trang bị đều đơn giản và đúng quy định.

Ăn theo lũ, nhiều điểm mua bán ngư cụ cũng như các cơ sở đóng ghe xuồng cũng sẵn sàng. Với vài trăm ngàn đồng đến khoảng triệu đồng là một hộ gia đình có thể trang bị được phương tiện - ngư cụ hành nghề kiếm sống vào mùa nước nổi. Tuy nhiên không ít người vẫn còn sử dụng ngư cụ đánh bắt thủy sản trái phép, lưới có mắc lưới nhỏ hơn quy định. Căn cứ theo Quyết định 19 của UBND tỉnh quy định cấm mọi hình thức khai thác thủy sản trái phép từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm (thời điểm cá sinh sản nhiều) nên ngành chức năng huyện Hồng Ngự sẽ tăng cường công tác ra quân kiểm tra. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó trưởng Trạm Thủy sản huyện Hồng Ngự nói: “Ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con nên sử dụng các loại lưới, lờ lọp, cào đúng theo quy định của pháp luật về kích thước mắc lưới. Cụ thể theo quy định đối với lưới cá cơm là 10mm, lưới giật là 18mm, các loại ngư cụ khác là 20mm. Hiện nay trên địa bàn người dân vi phạm chủ yếu là dùng xung điện khai thác thủy sản. Theo quy định lỗi này bị phạt 4 - 6 triệu đồng...”.

Minh Thi

Mùa nước nổi đang về, nghề đan lờ, lọp ở xã Hoà Long, huyện Lai Vung bắt đầu vào mùa sôi động nhất trong năm. Hiện nay, toàn xã có gần 500 hộ theo nghề đan lờ cua, lờ tôm và lọp tép, chủ yếu ở các ấp Long Bình, Long Bửu, Long Hội và Long Thành.

Ông Bùi Văn Sum, một hộ đan lọp tép ở ấp Long Hội cho biết, lọp tép hút hàng nhất là vào cuối tháng 6 đến hết tháng 8 âm lịch. Hiện tại, mỗi ngày hộ ông làm ra 100 cái lọp nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thương lái. So với năm 2013, năm nay, giá nguyên liệu như trúc, dây đồng, dây chì đều tăng từ 10 - 20%, nhưng giá lọp vẫn không tăng, nên người làm lọp lãi rất ít. Cụ thể, lọp dò được thương lái thu mua với giá 5.500 đồng/ cái, lọp chẻ 6.500 đồng/ cái và lọp vót (còn gọi là lọp bóng) có giá 12.000 đồng/ cái. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông Sum lãi chỉ 50 - 80 ngàn đồng/100 cái lọp.

Sản phẩm lờ cua, lờ tôm cũng đang hút hàng và kéo dài đến hết tháng 10 âm lịch. Hiện mỗi cái lờ cua, lờ tôm có giá trung bình 6.000 đồng, tương đương giá năm rồi, dự đoán khi lũ về nhiều giá có thể tăng thêm khoảng 1.000 đồng/ cái.

Hiện nay, thương lái đến tận nhà người làm lờ, lọp thu mua sản phẩm và mang đi tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh như Vĩnh Long, Long An, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu...

Phúc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn